LUẬT VĂN DIỄN DỊCH
Thỉnh thoảng, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta thấy đề cập đến cụm từ “Tổng Chưởng lý”, một thuật ngữ nghe có vẻ xa lạ, không có trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ví dụ: (1) Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp Tổng Chưởng lý Singapore: http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Pho-Thu-tuong-Truong-Hoa-Binh-tiep-Tong-Chuong-ly-Singapore/357622.vgp
(2) Facebook bị 47 Tổng Chưởng lý điều tra chống độc quyền https://vtv.vn/cong-nghe/facebook-bi-47-tong-chuong-ly-dieu-tra-chong-doc-quyen-2019102315333277.htm
(3) Donald Trump chọn Tổng Chưởng lý và Giám đốc CIA: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/donald-trump-chon-nguoi-lam-tong-chuong-ly-340611.html
Vậy, Tổng chưởng lý là ai và có quyền lực ra sao?
“Tổng Chưởng lý” là một chức danh tư pháp được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia áp dụng hệ thống thông luật (common law) có ảnh hưởng từ Anh, được gọi là “Attorney General”. Nghĩa gốc của từ “Attorney General” là luật sư trưởng, người đại diện cho chính phủ trước tòa án trong các vụ việc, đồng thời là cố vấn cho chính phủ về những vấn đề liên quan đến pháp luật.
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lập ra chức vụ Attorney General vào năm 1789 và người giữ chức vụ này là một thành viên Nội các, tương đương Bộ trưởng một Bộ. Gần 1 thế kỷ sau, do khối lượng công việc quá lớn, Hoa Kỳ lập ra Department of Justice (Bộ Tư pháp) để giúp việc cho Attorney General (Tổng Chưởng lý). Từ đó đến nay, người đứng đầu Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vẫn là có chức vụ là Tổng Chưởng lý chứ không phải là Bộ trưởng (Secretary) như các Bộ khác. Chính vì là người đứng đầu Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nên truyền thông Việt Nam đã dịch Attorney General thành chức vụ tương đương là Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Nhưng cách dịch Attorney General thành Bộ trưởng Bộ Tư pháp liệu có phù hợp không?
Khi thuật ngữ “Attorney General” được du nhập vào các nước Á Đông, các học giả đã căn cứ vào ý nghĩa, vai trò của Attorney Generaly để dịch thành “Tổng Chưởng lý” (總 掌 理). Trong đó, “TỔNG” (總) là tính từ chỉ cái chung, bao quát, toàn bộ (Ví dụ: tổng quản, tổng tư lệnh); “CHƯỞNG” (掌) ban đầu có nghĩa là bàn tay, sau có các nghĩa phái sinh khác là cầm, nắm giữ, quản lý (Ví dụ: chưởng ấn- quan giữ ấn tín, chưởng môn nhân: người coi sóc môn phái); “LÝ” (理) có nhiều nghĩa, ở đây mang nghĩa là những vấn đề liên quan đến pháp luật, hình án nói chung (Ví dụ: án lý, pháp lý).
Như vậy, “Tổng Chưởng lý” có thể hiểu là người có trách nhiệm quản lý chung về các vấn đề pháp luật của đất nước, tức là rất sát với nghĩa của “Attorney General”. Tùy theo hệ thống tổ chức bộ máy cũng như hệ thống pháp luật của từng nước mà “Tổng Chưởng lý” có đồng thời là Bộ trưởng Bộ Tư pháp hay không. Nhưng có một chức năng quan trọng của “Tổng Chưởng lý” mà không phải Bộ trưởng Bộ Tư pháp nào cũng được giao, đó là quyền “Công tố” – nhân danh Nhà nước (Công) để buộc tội (Tố) một chủ thể khi có đầy đủ căn cứ theo luật định.
“Tổng Chưởng lý” Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nắm giữ quyền lực tư pháp quan trọng đó, nhưng “Bộ trưởng Bộ Tư pháp” CHXHCN Việt Nam thì không, mặc dù đều là người đứng đầu Bộ Tư pháp. Có lẽ khi đề cập đến Attorney General, truyền thông trong nước nên dịch đúng chức vụ này là “Tổng Chưởng lý” và có cách diễn giải phù hợp để công chúng có cơ hội tiếp cận để trở nên quen thuộc dần với tên gọi rất phổ biến này./.
—- NGUỒN THAM KHẢO: 1. Từ điển Hán Việt; 2. Từ điển Cambridge online; 3. https://en.wikipedia.org/wiki/Attorney_general 4. https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Attorney_General 5. https://zh.wikipedia.org/wiki/律政司
Citation:
Quangminh Nguyen, “Tổng chưởng lý” có phải là “Bộ trưởng Tư pháp”?, Luật văn diễn dịch