Crypto là gì? Mua bán đồng Crypto có vi phạm pháp luật hay không?
Hiện nay, Crypto càng ngày càng phổ biến trong giao dịch trên Internet trong thời đại công nghệ số, cho nên đã thu hút được nhiều người quan tâm và tham gia vào thị trường. Vậy Crypto là gì và mua bán đồng crypto có trái với pháp luật Việt Nam quy định hay không, cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Crypto là gì?
Crypto hay Cryptocurrency là một dạng tiền điện tử được tạo ra và phát hành bởi các dự án Blockchain. Ngày nay, một số quốc gia trên thế giới xem đồng Crypto như một loại phương tiện giao dịch diễn ra trên các nền tảng Blockchain.
Đặc điểm dễ thấy nhất của đồng Crypto là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể có khả năng tạo ra loại tiền này. Tuy nhiên, giá trị của chúng sẽ được đánh giá thông qua việc đồng Crypto đó có được cộng đồng chấp nhận và sử dụng rộng rãi hay không, hoàn toàn khác khi so với tiền pháp định được phát hành, định giá và kiểm soát giá trị bởi chính phủ của các quốc gia. Cho nên nếu đồng Crypto không được cộng đồng chấp nhận thì giá trị của nó sẽ có thể chỉ là con số 0.
2. Cách phân loại đồng Crypto
Về cơ bản thì có 2 cách phân biệt đồng Crypto, cụ thể như sau:
Cách 1: Coin và Token:
Về Coin: Là loại tiền mã hóa được phát triển dựa trên nền tảng Blockchain độc lập. Đồng Coin được phát hành với mục đích giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh toán, bảo mật thông tin, tài chính, ngân hàng,…
Về Token: Là loại tiền mã hóa được phát hành trên Blockchain. Tuy nhiên Token không có Blockchain riêng mà sẽ hoạt động trên nền tảng khác. Hiện nay hầu hết các token thường sử dụng Blockchain của đồng Ethereum theo tiêu chuẩn ERC20 và một số token khác được phát triển trên nền tảng của Solana (SOL), Binance smart chain (BSC), Avalanche (AVAX),….
Cách 2: Bitcoin và Altcoin:
Bitcoin: Là loại tiền tiền mã hóa được phát hành dưới dạng mã nguồn mở. Thông qua việc sử dụng giao thức ngang hàng, các giao dịch bằng Bitcoin được thực hiện trực tiếp giữa các bên mà không cần đến sự tham gia của bên trung gian.
Altcoin: Altcoin là tất cả các loại tiền mã hóa khác ngoài Bitcoin và có chức năng về cơ bản tương tự Bitcoin. Hiện nay, những loại altcoin phổ biến trên thế giới có thể kế đến như Ethereum (ETH), Tether(USDT), Litecoin(LTC),…
3. Mua bán đồng Crypto có vi phạm pháp luật hay không?
Để giải đáp cho câu hỏi này, trước hết ta cần phải tìm hiểu về phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam.
Tại khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định rằng tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng theo khoản 6 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về những phương tiện thanh toán không dùng tiền để sử dụng trong giao dịch thanh toán hợp pháp tại Việt Nam bao gồm:
– Séc;
– Lệnh chi;
– Uy nhiệm chi,
– Nhờ thu;
– Ủy nhiệm thu;
– Thẻ ngân hàng
– Các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo khoản 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định thì những phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc những dịch vụ thanh toán nêu trên.
Như vậy, về cơ bản Crypto không được xem là tiền tệ và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam nên việc dùng nó để thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán là chưa được chấp nhận ở nước ta .
Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định về việc mua bán Crypto thông qua các sàn giao dịch điện tử (Ví dụ như việc dùng tiền để mua Bitcoin và bán Bitcoin để đổi lấy tiền) có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không, mà chỉ quy định chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng đồng Crypto như là một phương tiện thanh toán, cụ thể:
Xử phạt vi phạm hành chính
Theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định thì đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng đồng Crypto như là một phương tiện thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, qua đó việc phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Đối với việc mua bán đồng Crypto bằng tiền thì hiện nay pháp luật vẫn chưa ban hành quy định cấm, nên hoạt động này về cơ bản không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Trân trọng!