Người Việt giao dịch tiền số nhiều thứ tư trên Binance
Theo thống kê của WSJ, các nhà đầu tư Việt Nam giao dịch khoảng 20 tỷ USD trên sàn tiền số lớn nhất thế giới và hình thức chiếm 90% là Future (hợp đồng tương lai). Con số này đạt gần 5% trong tổng khối lượng giao dịch toàn cầu của Binance.
Nước có lượng giao dịch hàng tháng cao nhất là Trung Quốc với 90 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ với 60 tỷ và 45 tỷ USD. Khu vực còn lại trong top 5 là Quần đảo Virgin của Anh với 18 tỷ USD.
Số liệu thống kê gây bất ngờ khi Trung Quốc chiếm 20% tổng khối lượng giao dịch toàn cầu của Binance, trong khi chính phủ nước này cấm tất cả hoạt động giao dịch và đầu tư tiền số từ 2021. Bên cạnh đó, Binance cũng tuyên bố không còn hoạt động tại đây. Theo nguồn tin nội bộ, hiện có 900.000 nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động trên Binance, còn tổng số nhà đầu tư tiền số nói chung tại quốc gia này là 5,6 triệu. Để lách luật, Binance điều hướng người dùng Trung Quốc đến các trang web có tên miền thuộc quốc gia này trước khi chuyển tới sàn giao dịch. Nhiều người dùng Trung Quốc cũng sử dụng VPN để tránh bị kiểm duyệt.
Trước đó, Nikkei Asia dẫn báo cáo của Blockchain Chainalysis rằng trong vòng một năm, từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, thị trường Việt ghi nhận 112,6 tỷ USD tiền điện tử được giao dịch, đứng thứ hai bảng xếp hạng Đông Nam Á. Trong khi đó, xếp số một là Thái Lan với 135,9 tỷ USD, còn Singapore đứng thứ ba với 100,3 tỷ USD.
Còn báo cáo về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) 2022 của công ty nghiên cứu Chainalysis cũng cho thấy Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng với điểm tuyệt đối. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đứng đầu danh sách.
Theo Chainalysis, những con số trên thể hiện mối quan tâm lớn của thị trường Việt trong lĩnh vực tiền điện tử và sự chấp nhận cao của người dân về các công cụ tiền số phi tập trung, DeFi, P2P. Bảng xếp hạng dựa trên các chỉ số liên quan đến khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung, khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P), khối lượng giao dịch trên các nền tảng DeFi.
Huy Đức