Bitcoin halving và những tác động đến người chơi tiền số
Giữa lúc giá Bitcoin liên tục lập đỉnh, sự chú ý của cộng đồng lại dồn về sự kiện halving diễn ra vào tháng 4. Bitcoin halving được chờ đợi vì tác động trực tiếp đến toàn ngành, từ thợ đào, người sở hữu tiền số cho đến các công ty buôn bán máy đào chuyên dụng và cả ngành năng lượng.
Bitcoin halving là gì?
Ban đầu, thuật ngữ Bitcoin halving chủ yếu dành cho thợ đào – những người trực tiếp tạo ra Bitcoin bằng cách xác thực giao dịch thông qua việc giải các bài toán phức tạp để mở khối mới (block). Sau mỗi khối được khởi tạo, thợ đào nhận về một lượng Bitcoin (BTC) nhất định, gọi là phần thưởng.
Để hạn chế lạm phát khi quá nhiều thợ đào cùng tham gia, Nakamoto Satoshi – cha đẻ Bitcoin – đã thêm một đoạn code để cứ sau 210.000 khối khai thác, phần thưởng sẽ giảm một nửa. Thuật toán này được gọi là Bitcoin halving.
Trung bình bốn năm một lần, halving sẽ diễn ra. Điều này khiến việc khai thác Bitcoin ngày một khó, từ đó tạo ra sự khan hiếm và loại bỏ những thợ đào không hiệu quả khỏi mạng lưới.
Ba lần “giảm một nửa” trước đó đã xảy ra vào năm 2012, 2016 và 2020. Lần đầu tiên diễn ra khi phần thưởng cho thợ đào giảm từ 50 xuống 25 Bitcoin mỗi khối.
Năm 2016, phần thưởng khai thác còn 12,5 Bitcoin. Từ ngày 11/5/2020, thợ đào nhận 6,25 Bitcoin khi mỗi khối mới được tạo. Với sự kiện halving vào tháng 4, phần thưởng của thợ đào sẽ giảm còn 3,125 Bitcoin. Chu kỳ này sẽ tiếp diễn cho đến khi tổng cộng 21 triệu Bitcoin trên toàn mạng được khai thác hết, dự kiến vào năm 2140.
Tác động của Bitcoin halving
Chịu tác động lớn nhất là giá Bitcoin. Với người nắm giữ tiền số, tổng số coin của họ không đổi sau sự kiện. Tuy nhiên, nếu muốn mua thêm, họ có thể gặp khó vì phần thưởng giảm, khiến nguồn cung không còn dồi dào. Điều này gây mất cân bằng cung cầu, làm cho giá Bitcoin có thể tăng vài tháng sau đó.
Ví dụ, giá Bitcoin trước halving vào tháng 11/2012 là 12 USD, nhưng gần một năm sau tăng lên gần 1.000 USD. Với lần halving thứ hai vào tháng 7/2016, giá Bitcoin giảm xuống 670 USD rồi tăng lên 2.550 USD vào tháng 7/2017, sau đó đạt 19.700 USD cuối năm đó.
Sau lần “giảm một nửa” gần nhất vào tháng 5/2020, giá Bitcoin đã tăng 430% từ 11.500 lên 61.300 USD giữa tháng 3/2021, trước khi lập đỉnh 69.000 USD vào tháng 11/2021.
Tuy nhiên, bà Lynn Hoàng, đại diện Binance Việt Nam, nhận định biến động giá của kỳ halving thứ tư vào tháng tới sẽ khó dự đoán hơn sau khi Mỹ phê duyệt ETF Bitcoin hồi đầu năm.
“Các quỹ ETF Bitcoin sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân cung cầu trên thị trường. Nhu cầu mua vào sẽ cao hơn trong khi số lượng Bitcoin mới được tạo ra lại giảm một nửa”, bà Lynn phân tích. Dữ liệu trên blockchain cho thấy mỗi ngày, các quỹ ETF Bitcoin đang gom về trung bình 2.450 BTC trong khi thợ đào chỉ khai thác được 900 BTC. Sau halving, con số này sẽ giảm còn 450 BTC, có thể khiến giá Bitcoin biến động mạnh.
Một tác động tích cực của halving sẽ giảm tỷ lệ lạm phát trên toàn mạng. Năm 2011, tỷ lệ lạm phát của mạng Bitcoin là 50%, nhưng sau 2012 giảm xuống 12% và tiếp tục giảm 4-5% vào năm 2016. Hiện Bitcoin có tỷ lệ lạm phát 1,74%. Tỷ lệ giảm giúp đồng tiền mã hóa ổn định giá trị.
Trong khi đó với thợ đào, Bitcoin halving không chỉ khiến phần thưởng của họ bị giảm đi mà độ khó của thuật toán cũng tăng lên, đẩy cuộc cạnh tranh giữa các xưởng đào trở nên căng thẳng. Một số máy đào chuyên dụng thế hệ cũ có thể sẽ không hiệu quả để chạy thuật toán, buộc phải nâng cấp thiết bị mới. Theo công ty phân tích Galaxy, sau halving 2024 sẽ có khoảng 20% máy ASIC trên toàn mạng Bitcoin ngừng hoạt động vì không đủ sức cạnh tranh. Một số máy đào như S9 của Bitmain, A1066 của Canaan và M32 của MicroBT sẽ ngoại tuyến. Đây là lý do thợ đào không hào hứng mỗi lần having.
Độ khó của thuật toán tăng cũng làm cho một số xưởng đào quy mô nhỏ bị loại khỏi cuộc chơi. Thợ đào sẽ có lời nếu giá Bitcoin tăng sau halving, nhưng họ có thể phải rời bỏ mạng lưới khi việc khai thác không đem lại lợi nhuận.
Mặt trái của halving
Theo bà Lynn Hoàng, khi nói đến halving, mọi người thường tập trung về biến động giá. Nhưng nếu nhìn tổng thể, sự kiện cũng có thể gây tác động nguy hiểm đến Bitcoin.
Đầu tiên là vấn đề thân thiện với môi trường. Từ lâu, Bitcoin thường bị lên án vì tiêu thụ quá nhiều năng lượng để vận hành máy đào. Halving khiến độ khó thuật toán tăng lên, buộc thợ đào tăng cường công suất, từ đó tiêu tốn năng lượng hơn.
Dù vậy, đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Có ý kiến lại cho rằng vì áp lực về lợi nhuận, thợ đào đang chuyển sang nguồn năng lượng bền vững hơn như điện mặt trời. Việc nâng cấp máy đào thế hệ mới cũng giúp tiết kiệm năng lượng, từ đó làm cho mạng Bitcoin trở nên thân thiện với môi trường hơn.
Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn là vấn đề khai thác tập trung trên toàn mạng. Khi mức độ cạnh tranh cao, thợ đào nhỏ lẻ sẽ bị loại, phần lớn khả năng tính toán sẽ nằm trong tay xưởng đào quy mô lớn. Dữ liệu của BTC.com từ năm 2016 đến 2021 cho thấy 30-40% tỷ lệ băm trên toàn mạng thường xuyên bị kiểm soát bởi hai nhóm khai thác lớn nhất là là Foundry USA và AntPoo. Ngày 28/2, hai nhóm này đã kiểm soát gần 50% sức mạnh băm của mạng Bitcoin, theo CoinDance. Tỷ lệ băm thể hiện sức mạnh tính toán cho việc khai thác Bitcoin.
Sau halving, nếu thợ đào thấy không còn lợi nhuận và ngừng khai thác, giao dịch trên mạng Bitcoin sẽ bị nghẽn, kẻ gian có thể chi phối hoạt động mạng. Ngoài ra, khi việc khai thác không còn phi tập trung mà nằm trong tay một số bên, họ có thể giữ quyền kiểm duyệt các giao dịch bằng cách chọn không xác nhận chúng. Điều này đi ngược với lý tưởng ban đầu của Satoshi về đặc tính phân quyền và chống kiểm duyệt của Bitcoin. Điểm tích cực là chưa có lần nào thợ đào đồng loạt rời mạng sau halving. Những người khai thác Bitcoin sẽ tìm cách cân bằng và vượt qua được các đợt halving để tiếp tục ngành công nghiệp này.
Khương Nha