Các đường MA trong chứng khoán – Ý nghĩa và cách sử dụng hiệu quả nhất
Đường MA là một công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến trong thị trường chứng khoán. Nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ về các đường MA trong chứng khoán nên sử dụng sai mục đích khiến đầu tư chưa hiệu quả như mong muốn. Bài viết sau sẽ giúp bạn biết rõ khái niệm, ý nghĩa và cụ thể cách ứng dụng 3 đường MA thông dụng nhất.
Khái niệm đường MA trong chứng khoán
Đường MA trong chứng khoán là viết tắt của từ tiếng Anh – Moving Average chính là đường trung bình động. Nó thể hiện quá trình biến động lên xuống và biểu thị xu hướng giá của cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định.
Các đường MA trong chứng khoán được xem là một dạng chỉ báo chậm và không có tác dụng để dự báo, chủ yếu là để theo dõi diễn biến của các mốc giá đã được hình thành.
Thời gian thường được dùng để tính toán:
- Đối với MA ngắn hạn, thời gian thường được lấy theo mốc 10, 14 hoặc 20 ngày.
- Với MA trung hạn, thời gian là khoảng 50 ngày.
- Với MA dài hạn, thời gian là khoảng 100 hoặc 200 ngày.
Ý nghĩa của đường MA chứng khoán
Đường MA là một chỉ báo có ý nghĩa quan trọng trong chứng khoán. Cụ thể:
- Cung cấp dữ liệu hữu ích cho nhà đầu tư: Đường MA cho thấy sự thay đổi trong chuỗi các dữ liệu giá theo thời gian, từ đó nhà đầu tư có thể phân tích để tối ưu hóa mức lợi nhuận. Đường MA cũng có thể được sử dụng khi cần xác nhận xu hướng thay đổi giá cổ phiếu.
- Giảm lượng nhiễu thông tin trên biểu đồ giá chứng khoán: Các nhà phân tích dựa trên hướng của MA để có phán đoán cơ bản về xu hướng giá đang diễn ra. Nếu đường MA đang theo dõi nghiêng lên nghĩa là giá đang trong đà tăng tổng thể, ngược lại góc nghiêng xuống nghĩa là giá đang giảm về tổng thể còn đường MA đi ngang nghĩa là giá có khả năng duy trì trong một phạm vi nhất định.
- Được ứng dụng như các đường kháng cự và hỗ trợ: Nếu phần lớn giá nằm trên đường MA thì thị trường chứng khoán đang có đà tăng, lúc này đường MA có ý nghĩa như một ngưỡng hỗ trợ quan trọng của xu hướng giá tăng đó. Trường hợp đường MA nằm trên đường giá theo hướng giảm sẽ có ý nghĩa như một ngưỡng kháng cự.
Các đường MA trong chứng khoán cần biết
Hiện các đường MA trong chứng khoán phổ biến nhất bao gồm: đường trung bình di động đơn giản SMA, đường trung bình lũy thừa EMA và đường trung bình di động tỷ trọng tuyến tính WMA. Dưới đây là thông tin chi tiết và 3 đường này:
Đường trung bình động đơn giản – Simple Moving Average (SMA)
Tên tiếng Việt là đường trung bình động đơn giản, viết tắt SMA. Đường này được tính bằng trung bình cộng của các mức giá nhất định trong một khoảng thời gian giao dịch được xác định.
Công thức tính SMA:
SMA = (P1+ P2+ … + Pn)/n
Trong đó:
- Pn: Là mức giá nằm trong khoảng thời gian n.
- n: Là khoảng thời gian tính toán được xác định.
Ví dụ: Đường SMA của AAPL trong 2 ngày kể từ 2/3 đến 6/3.
Áp dụng theo công thức trên ta có: SMA = (289,03 + 292,92 + 302,74 + 289,32 + 298,81)/5 = 294,564$
Ưu điểm của đường SMA:
- Đường SMA được sử dụng khá phổ biến trong phân tích chứng khoán, phản ánh được một phần tâm lý của nhà đầu tư tại ngưỡng hỗ trợ và kháng cự sát với thực tế.
- SMA phản ứng chậm bởi nó loại trừ các biến động nhiễu giá trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể dựa vào đó để phát hiện bẫy giá trong dài hạn. Chính vì thế độ tin cậy của SMA cao.
Nhược điểm:
- Độ coi trọng số của các mức giá ở tất cả các ngày được tính là như nhau nên SMA thường phản ứng chậm hơn và thiếu độ nhạy ngay khi có những biến động lớn về giá trong ngắn hạn.
Đường trung bình lũy thừa – Exponential Moving Average (EMA)
Đường EMA là đường trung bình lũy thừa, được tính theo công thức hàm mũ, trong đó các biến động gần sẽ được đặt trọng số lớn hơn. Đặc điểm này của đường EMA thể hiện sự nhạy cảm nhanh chóng với các biến động giá cả ngắn hạn. EMA thể hiện các tín hiệu bất thường nhanh chóng hơn SMA và giúp nhà đầu tư phản ứng kịp thời khi xảy ra biến động giá trong ngắn hạn.
Tính đường EMA theo 3 bước cơ bản, gồm:
- Bước 1: Tính toán đường SMA.
- Bước 2: Tính hệ số nhân cho hệ số làm mượt, chia cho trọng số đường EMA trước đó.
- Bước 3: Tính đường EMA tại thời điểm hiện tại.
Công thức tính EMA:
EMA = Pt * k + EMAy x (1 – k)
Trong đó:
- Pt: Là giá cổ phiếu đóng cửa tại thời điểm hôm nay.
- k = 2/(số ngày nằm trong chu kỳ EMA + 1).
- EMAy: Giá trị EMA của ngày liền trước đó.
Ưu điểm của đường EMA:
- EMA nhạy với chuyển động giá ngắn hạn, giúp nhà đầu tư biết các tín hiệu đảo chiều thị trường nhanh hơn và rõ ràng hơn.
- Nhà đầu tư dựa vào đường EMA phản ứng nhanh và điều chỉnh chiến lược phù hợp trước biến động giá thị trường.
Nhược điểm:
- EMA quá nhạy đối với những biến động giá ngắn nên có thể khiến nhà đầu tư nhận sai tín hiệu dẫn đến rơi vào “‘bẫy giá”.
- Theo thời gian càng dài hạn thì EMA càng ít vai trò trong theo dõi giá hơn.
Đường trung bình tỉ trọng tuyến tính – Weighted Moving Average (WMA)
Đường trung bình tỉ trọng tuyến tính WMA tập trung nhiều hơn đến những tham số có tần suất cao nhất. Nghĩa là trong các đường MA thì WMA sẽ chú trọng các bước giá có khối lượng giao dịch chứng khoán lớn. Đồng thời WMA cũng đặt vai trò cao hơn của chất lượng dòng tiền cổ phiếu.
Công thức tính WMA:
WMA = [P1 x n + P2 x (n – 1) + … + Pn] / [n x (n + 1)] / 2
Trong đó:
- Pn: Mức giá nằm trong khoảng thời gian n.
- n: Khoảng thời gian được tính toán.
Ví dụ:
Áp dụng theo công thức trên, ta có WMA = [289,03 x 5 + 292,92 x 4 + 302,74 x 3 + 289,32 x 2 + 298,81] / [5 x (5 + 1)] / 2 = 293,5
Ưu điểm đường WMA:
- WMA có ưu điểm nổi bật khi vừa phản ứng nhanh về biến động giá vừa tránh được các bẫy tăng giá trên thị trường.
- Đường WMA được tính theo trọng số của những bước giá thanh khoản cao nên loại bỏ được nhiễu giá. Vì thế, nhà đầu tư có thể dựa vào WMA để nhận biết tín hiệu mua bán nhanh chóng.
- Đường WMA có mức độ tin cậy cao vì chú trọng đến chất lượng của dòng tiền của cổ phiếu. Nếu sử dụng đường WMA để xác định xu hướng hoặc làm các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự sẽ có tính chính xác hơn.
Nhược điểm:
- Cũng giống đường EMA, WMA cũng quá nhạy về giá nên cũng có thể tạo ra tín hiệu đánh lừa nhà đầu tư.
- Trong khoảng thời gian dài hạn thì vai trò của đường WMA càng ít hơn.
Như vậy, trong số các đường MA trong chứng khoán thì SMA là đường có độ mượt cao nhất, khả năng dự báo xu hướng và loại bỏ được tín hiệu nhiễu tốt nhất. Nhưng SMA chỉ chính xác trong một khoảng thời gian xác định và thay đổi theo từng phiên. Đường EMA và WMA có độ mượt và thời gian trễ thấp hơn đường SMA, tuy nhiên, nhiều tín hiệu gây nhiễu hơn với khả năng xác định thời điểm giao dịch tốt hơn.
Cách sử dụng đường MA trong chứng khoán hiệu quả nhất
Mỗi đường MA trong chứng khoán có ưu và nhược khác nhau nên tùy thuộc vào kế hoạch của mỗi cá nhân mà nhà đầu tư có thể lựa chọn đường MA phù hợp. Một số cách sử dụng thường được các nhà đầu tư áp dụng như:
Tương quan giữa đường giá và đường MA
Cách sử dụng đường MA này hướng đến việc giao dịch chứng khoán sau khi phân tích xu hướng, đồng thời thể hiện mối quan hệ của đường MA và kỳ vọng giá của nhà đầu tư. Nếu phần lớn giá nằm trên đường MA nghĩa là kỳ vọng của nhà đầu tư cao hơn so với giai đoạn trước và thị trường đang ở hướng tăng. Khi đó nhà đầu tư có thể mua ngay khi giá cắt lên hoặc giá điều chỉnh về đường MA.
Ngược lại nếu phần lớn giá nằm dưới đường MA thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư thấp, thị trường trong xu hướng giảm. Nhà đầu tư nên bán ngay khi giá cắt xuống hoặc khi giá hồi trở lại các đường MA. Đây là chiến lược giao dịch đơn giản nhất với các đường MA trong chứng khoán nhưng đồng thời nhiều tín hiệu nhiễu và rủi ro cao. Để hiệu quả, bạn cần kết hợp với việc phân tích các biểu đồ nến và những các phân tích khác.
Sử dụng đường MA để xác định thời điểm giao dịch chứng khoán:
Mua vào khi:
- Đường giá cao hơn đường SMA20: Tín hiệu tăng giá trong ngắn hạn.
- Đường giá cao hơn đường SMA50 hoặc đường SMA100 : Tín hiệu tăng giá trong trung hạn.
- Đường SMA50 thấp hơn đường SMA20: Tín hiệu tăng giá trong dài hạn.
- Đường SMA50 thấp hơn đường SMA20 thấp hơn đường giá: Tín hiệu của thị trường đang trong xu hướng tăng giá.
Nên bán ra khi:
- Đường giá thấp hơn đường SMA20: Tín hiệu giảm giá trong ngắn hạn.
- Đường giá thấp hơn đường SMA50 hoặc SMA100: Tín hiệu giảm giá trong trung hạn.
- Đường SMA20 thấp hơn đường SMA50: Tín hiệu giảm giá trong dài hạn.
- Đường giá thấp hơn đường SMA20 thấp hơn đường SMA50: Tín hiệu thị trường đang trong đà giảm giá.
- Đường MA có vai trò là ngưỡng hỗ trợ khi thị trường trong xu hướng tăng, ngược lại đường MA là ngưỡng kháng cự khi thị trường trong xu hướng giảm. Giá đâm xuyên hẳn qua đường MA chính là tín hiệu giá thị trường có nguy cơ giảm sâu hơn nữa.
Lưu ý cho nhà đầu tư khi dùng đường MA
Khi sử dụng đường MA, nhà đầu tư cần lưu ý một số điều sau:
- Đường MA càng dốc cao thì xu hướng càng rõ và càng có khả năng giao dịch kiếm lợi nhiều hơn. Đường MA nằm ngang, độ dốc nhỏ thì thị trường yếu, cơ hội giao dịch chốt lời nhỏ hơn.
- Lưu ý về tính chất của đường SMA là mang tín hiệu trễ, các đường SMA20, SMA50 đều tạo đỉnh sau thời điểm giá đã đạt đỉnh, trong trường hợp bật giá cũng tương tự. Đường SMA càng dài thì tín hiệu càng trễ và càng ít bám đường giá của thị trường hơn.
- Chu kỳ thời gian quá ngắn cho kết quả xu hướng không chính xác, còn chu kỳ quá dài thì đường MA các xa đường giá, việc xác định xu hướng càng khó hơn. Do vậy., nhà đầu tư cần lựa chọn khoảng thời gian phù hợp nhất với chiến lược của mình để có kết quả bám sát nhất.
Trên đây là thông tin về các đường MA trong chứng khoán và cách sử dụng hiệu quả cho nhà đầu tư. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ về những đường MA phổ biến để ứng dụng trong phân tích giá sao cho đạt được hiệu quả tối ưu nhất.