Đồng thuận xã hội
Trong thời gian gần đây, một số từ điển chuyên ngành ở Việt Nam mới dịch consensuslà “đồng thuận”.
Từ điển Thuật ngữ chính trị Pháp – Việt, đồng thuận (consensus) được giải thích với hai nghĩa chính: thứ nhất, trong một nhóm, một đảng, một dân tộc… chỉ sự đồng tình rõ ràng hoặc ngầm định giữa phần lớn các thành viên về một hành động, một chính sách hoặc các giá trị được thừa nhận; thứ hai, trong luật quốc tế, đó là thủ tục thông qua các văn kiện, được đưa vào thực tiễn hoạt động của các tổ chức quốc tế và thường xuyên được sử dụng(3).
Từ điển Xã hội học, đồng thuận (konséns): sự nhất trí có tác dụng như một xúc tác xã hội hay chỉ sự khác biệt không đáng kể giữa các thành viên trong một hệ thống xã hội về những vấn đề quan trọng đối với những hoạt động của hệ thống(4).
Về khái niệm đồng thuận xã hội (social consensus), trong các từ điển và tài liệu kể trên, chưa xuất hiện khái niệm đồng thuận xã hội.
Thời gian gần đây, ở Việt Nam, trong một số công trình nghiên cứu khoa học, các tác giả mới đưa ra định nghĩa, cách hiểu ban đầu về khái niệm này.
Luận án tiến sĩ Chính trị học: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay” của Nguyễn Thị Lan, cho rằng: “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của xã hội về một vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng trong lúc vẫn thừa nhận những điểm khác biệt với điều kiện những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung”(5).
Tác giả Chu Văn Tuấn trong bài “Đồng thuận xã hội: Một số vấn đề lý luận” cho rằng: “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí hay tán thành, ủng hộ một cách rõ ràng hay ngầm định của đa số các thành viên trong xã hội đối với một vấn đề nào đó (chẳng hạn một quan điểm, một chủ trương, đường lối, chính sách, quyết định…) trên cơ sở những điểm tương đồng và cùng chung mục đích”(6).
Giáo sư Phạm Ngọc Quang trong đề tài khoa học cấp Nhà nước: Quan điểm, định hướng và giải pháp thực hành dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hộiđã trình bày khá cặn kẽ khái niệm đồng thuận xã hội: “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí trong suy nghĩ và hành động của một cộng đồng xã hội (cộng đồng này có thể rộng hẹp khác nhau, từ cộng đồng gia đình, làng xóm… đến cộng đồng giai cấp, dân tộc, nhân loại) về một (hay một số) vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng về nhu cầu, lợi ích… trong lúc vẫn thừa nhận, tôn trọng những điểm khác biệt với điều kiện những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung của cộng đồng đó”(7).
Từ các quan điểm trên, có thể thấy rằng, các tác giả đã có nhiều điểm thống nhất với nhau khi xác định nội hàm khái niệm đồng thuận xã hội, như: đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của xã hội về một vấn đề nào đó; đồng thuận là sự đồng tình tự giác chứ không phải sự cưỡng bức; cơ sở của đồng thuận xã hội là dựa trên sự tương đồng giữa các thành viên; đồng thuận xã hội bao gồm cả sự khác biệt…
Tuy nhiên, trong mỗi định nghĩa, còn những phần chưa thực sự thỏa đáng như: “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của xã hội…”, ở đây “đồng thuận” đã được làm sáng tỏ là “đồng tình, nhất trí”; nhưng “xã hội” vẫn được trình bày là “xã hội” thì chưa thỏa đáng; Hoặc đồng thuận xã hội: “là sự đồng tình, nhất trí… trong suy nghĩ và hành động”, có phải mọi sự đồng thuận đều bao gồm cả suy nghĩ và hành động? Theo chúng tôi, không phải mọi sự đồng thuận đều bao gồm cả hai lĩnh vực này, có đồng thuận trong tư tưởng, có đồng thuận trong hành động và có đồng thuận cả trong tư tưởng và hành động. Trong thực tế, nhiều sự đồng thuận mới đạt được trên những nhận thứcban đầu. Về đồng thuận xã hội dựa trên những điểm tương đồng “trong lúc vẫn thừa nhận, tôn trọng những điểm khác biệt với điều kiện những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung của cộng đồng đó”. Một cộng đồng, tại một thời điểm có thể có nhiều mục tiêu, các thành viên trong cộng đồng đó có thể đồng thuận về một hoặc nhiều vấn đề, nhưng không phải lúc nào hai cái đó cũng hoàn toàn đồng nhất với nhau. Có thể các thành viên chỉ đồng thuận về mục tiêu này mà chưa đồng thuận về mục tiêu khác. Ở đây, yêu cầu của đồng thuận là sự khác biệt giữa các thành viên không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện cái mà các thành viên đã đồng tình, nhất trívới nhau chứ không phải tất cả mọi mục tiêu, hành động của cộng đồng đó.
Từ các quan điểm trên, có thể quan niệm: Đồng thuận xã hội là sự tự giác đồng tình, nhất trí của các thành viên trong một cộng đồng về một hoặc một số vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng, trong khi vẫn thừa nhận những điểm khác biệt, với điều kiện những khác biệt đó không tổn hại đến việc thực hiện cái đã đồng tình, nhất trí.
Từ khái niệm này, có thể rút ra những nội dung chính của đồng thuận xã hội như sau:
Một là, đồng thuận xã hội là một dạng đặc thù của đồng thuận (chỉ phản ánh sự đồng thuận trong xã hội).
Hai là, đồng thuận xã hội là hoạt động tự giác, có ý thức của các chủ thể (những hành động cưỡng bức, bắt buộc phải phục tùng, quy thuận, hành động không ý thức không phải là đồng thuận).
Ba là, cơ sở của đồng thuận xã hội là sự tương đồng của các thành viên (về nhu cầu, lợi ích, sở thích, mục tiêu…).
Bốn là, phạm vi đồng thuận có thể đồng thuận về tư tưởng, hành động, cả tư tưởng và hành động; có thể rộng, hẹp khác nhau (trong một đảng, một giai cấp, dân tộc hay cộng đồng quốc tế,…)
Năm là, đồng thuận không loại trừ những khác biệt, mâu thuẫn, nhưng đó không phải là những khác biệt, mâu thuẫn căn bản.
Sáu là, xem xét ý nghĩa của sự đồng thuận xã hội phải có quan điểm lịch sử cụ thể, có đồng thuận xã hội có ý nghĩa tích cực, có sự đồng thuận xã hội có ý nghĩa tiêu cực; trong mối quan hệ này đồng thuận xã hội có ý nghĩa tích cực, nhưng trong quan hệ khác thì không (thí dụ, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đồng tình, ủng hộ Việt Nam sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam; hành vi đồng tình, ủng hộ đó với nhân dân Việt Nam là tích cực nhưng với phía Trung Quốc là tiêu cực vì nó bất lợi cho họ)…
Khái niệm đồng thuận xã hội lần đầu tiên được Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng tại Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX(8). Thuật ngữ này sau đó được sử dụng thường xuyên trong các văn kiện của Đảng. Đồng thuận xã hộivừa được coi như một phương thức để tạo dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa được coi như một mục tiêu của xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”(9).
Từ quan điểm trên, chúng tôi cho rằng, đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay có những nội dung cơ bản sau:
Một là, cơ sở để xây dựng đồng thuận xã hội là mục tiêu: “một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mọi người Việt Nam dù khác nhau về giai cấp, dân tộc, tôn giáo, lập trường, chính kiến… đều lấy mục tiêu đó làm điểm tương đồng để đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng đất nước.
Hai là, đồng thuận xã hội được xây dựng trên phạm vi quốc gia, dân tộc; thành phần bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, cả người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Ba là, trong khi xác định mục tiêu xây dựng đất nước (như trên) làm điểm tương đồng, Đảng ta vẫn chấp nhận “những ý kiến, quan điểm khác nhau” với điều kiện, các ý kiến, quan điểm đó không trái với lợi ích chung của dân tộc.
Bốn là, phương thức để tạo đồng thuận xã hội được Đảng ta xác định gồm: (i) giải quyết hài hòa lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; (ii) thực hành dân chủ rộng rãi; (iii) xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa khoan dung(10).
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015
(1) www.dictionary.reference.com/browse/consensus
(2) Xem: Trần Kim Nở, Lê Xuân Khuê, Dương Ngọc Dũng, Đỗ Huy Thịnh, Trần Huỳnh Phúc:Từ điển Anh – Việt, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 409; Đào Văn Tập:Từ điển Pháp – Việt, in lần thứ tư Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1953, tr.248; GS Nguyễn Văn Tuế: Đại từ điển Đức – Việt, Nxb Văn hóa thông tin, 2001, tr.1513.
(3) Charles Debbasch, Jacque Bourdon: Từ điển thuật ngữ chính trị Pháp – Việt, NxbThế giới, tr.143
(4) G.Endruweit và G.Trommsdorff: Từ điển xã hội học, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2001, tr.153.
(5) Nguyễn Thị Lan: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay, Luận án Tiến sĩ Chính trị học, Hà Nội, 2008, tr.16-17.
(6) Chu Văn Tuấn: Đồng Thuận xã hội: Một số vấn đề lý luận, Tạp chí Triết học, số 218, 2009, tr.26.
(7) Phạm Ngọc Quang (chủ nhiệm): Quan điểm, định hướng và giải pháp thực hành dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội, Đề tài khoa học cấp nhà nước, mã số KX.04-27/06-10, Hà Nội, 2010, tr.35.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.24-25.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.239-240.
(10) Xem Sđd tr.240.
ThS Nguyễn Văn Quyết
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh