Cứng khớp ngón tay: Vì sao người đái tháo đường dễ bị hơn?
Nguyên nhân của hiện tượng cứng khớp ngón tay chưa được hiểu đầy đủ. Người ta cho rằng đó là một quá trình đa yếu tố. Yếu tố di truyền trong bệnh cứng khớp ngón tay đã được ghi nhận ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Vài nghiên cứu cho thấy yếu tố gia đình cũng có liên quan ở đái tháo đường type 1.
Trong các nghiên cứu gia đình ở bệnh đái tháo đường type 1, trẻ em tiểu đường bị cứng khớp ngón tay có nhiều khả năng có cha mẹ hoặc anh chị em bị ảnh hưởng tương tự (35% người thân) so với trẻ em tiểu đường không bị cứng khớp ngón tay (13% người thân).
Tăng glycosyl hóa collagen nonenzymatic do tăng đường huyết mãn tính có thể dẫn đến tăng liên kết chéo giữa các phân tử collagen, do đó làm tăng khả năng kháng lại collagenase- enzyme huỷ collagen. Chính điều này dẫn đến biểu hiện lâm sàng là cứng khớp. Hơn nữa, tăng đường huyết có thể dẫn đến tăng kích hoạt con đường polyol, dẫn đến tăng nước nội bào và phù tế bào.
Cuối cùng, bệnh mạch máu nhỏ cũng là giả thuyết trong sinh bệnh học của hiện tượng cứng khớp ngón tay. Giả thuyết này dựa trên sự hiện diện của các biến chứng mạch máu nhỏ khác (bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh lý thần kinh).
Đáng chú ý, bệnh vi mạch máu có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy mô, dẫn đến việc sản xuất các gốc tự do, do đó, dẫn đến việc sản xuất quá mức các yếu tố tăng trưởng và cytokine. Cuối cùng, dòng thác này có thể dẫn đến tăng sản tế bào quanh khớp, dẫn đến hiện tượng các khớp không còn mềm mại.
Điều trị cứng khớp ngón tay ở người bệnh đái tháo đường cho đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vật lý trị liệu đóng vai trò cơ bản giúp cải thiện biên độ vận động ở bàn tay. Song song đó, nền tảng của mọi điều trị là vấn đề kiểm soát đường huyết tốt. Bởi lẽ tăng đường huyết sẽ làm nặng thêm tình trạng cứng khớp ngón tay.