Niềm vui, nỗi buồn của thợ đào Bitcoin
Những ngày cuối đông, đêm ở Nội Mông rất lạnh, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới âm 20 độ C. Trong một mỏ đào Bitcoin hoang vắng, Feng Sheng – thợ đào đến từ Hàng Châu, Triết Giang đang kiểm tra lại dàn “trâu cày” trước khi đi ngủ. “Giá Bitcoin đang ‘nhảy múa’, không khác gì ba năm trước khi tiền ảo tăng từ 1.000 USD lên 13.000 USD” anh nói với The Paper.
Rủi ro tiềm ẩn
Feng Sheng tốt nghiệp đại học năm 2017 và có hơn 3 năm kinh nghiệm trong nghề “đào tiền ảo”. Trong thời gian này, Bitcoin có lần giảm mạnh từ 20.000 xuống còn 3.000 USD. Sau những “sóng to gió lớn”, Feng nói: “Đào Bitcoin là việc lâu dài, hãy nâng cấp dàn máy, lên kế hoạch về tiền thuê mặt bằng, giá điện, hoá đơn cần chi trả trước. Nếu nắm được chi tiết những khoản trên thì giá tiền ảo có thay đổi thế nào, thợ đào cũng bị ảnh hưởng rất ít”.
Tuy nhiên, Feng Sheng đã quên tính đến những rủi ro về chính sách. Tháng 9/2017, hệ thống Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ban hành “Thông báo về việc ngăn chặn rủi ro phát hành tiền ảo”. Các sàn giao dịch tiền điện tử ở nước này bị đóng cửa, việc khai thác Bitcoin được yêu cầu “rút lui trong trật tự”. Nguyên nhân được đưa ra là do đặc điểm tiêu thụ điện năng cao, khai thác tiền ảo được đưa vào danh mục có nguy cơ cao.
Trái với những nỗi lo về chính sách, sổ cái của những người khai thác Bitcoin chỉ có: Chi phí điện, tiền thuê người trông coi và giá máy. Theo dân trong ngành, khai thác Bitcoin mất trung bình 12 tháng để hoàn vốn. Đầu năm 2021, khi giá tiền ảo vượt mốc 300.000 rồi 400.000 USD, giá linh kiện lắp dàn máy cũng tăng gấp đôi. Dân đào Bitcoin lang thang trong vùng xám. Ẩn sau cơn sốt card đồ hoạ là những dân buôn, đầu cơ.
Từ nửa cuối 2020, những thợ đào “vàng kỹ thuật số” như Feng đã nhận thấy sự “điên rồ” của 3 năm trước đang quay lại khi giá Bitcoin lần lượt cán mốc 10.000 rồi 40.000 USD. Tuy nhiên, việc giá tiền ảo lên xuống thế nào không phụ thuộc vào việc Feng Sheng có chăm chỉ hay không. Dù đánh đổi nhiều thứ để đào Bitcoin, anh không có quyền định giá nó, cũng không biết được khi nào giá lên, khi nào giảm. Đồng tiền này không có quy luật rõ ràng nào. Đây là rủi ro tiềm ẩn nhất với những thợ đào như Feng.
Sau ánh hào quang
Guo Li, một thợ đào tiền ảo khác vào nghề sớm hơn Feng Sheng hai năm. Mùa mưa năm 2015, anh tìm đến Tứ Xuyên để tìm nơi đặt mỏ đào. “Mưa ngày một lớn, đường đi bị đứt đoạn, đá lăn lổm chổm trên đường. Tôi thấy mình như đang đánh đổi mạng sống”, Guo Li kể lại.
Nhiều người vẫn nghĩ ngành công nghiệp tiền ảo mang lại lợi nhuận rất cao, nhưng đằng sau là vô vàn vất vả. Những thợ đào Bitcoin đều rất chăm chỉ, cần cù và phải đánh đổi nhiều thứ trước khi người ta thấy họ bất ngờ giàu lên.
Những mỏ đào Bitcoin lớn ở Trung Quốc đều đặt ở vùng hoang sơ, lạnh giá. “Vùng này chẳng ai ngó ngàng, thị trấn gần nhất cách bốn giờ đi xe. Chúng tôi ở giữa những dàn máy phả nhiệt, ngày qua ngày, nhàm chán và nhớ nhà”, một thợ đào Bitcoin ở Tứ Xuyên nói.
Tuy nhiên, đó không phải nỗi buồn lớn nhất của họ. Ngày 12/3/2020 là một trong những ngày đáng nhớ nhất với những người chơi tiền ảo. Dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến về giá dầu thô, giá Bitcoin đã giảm liên tiếp xuống còn 4.000 USD. Doanh thu của các thợ mỏ không đủ để trả tiền điện. “Mùa đông Bitcoin” ập đến, nhiều người vỡ nợ, dàn máy đào đem cân bán sắt vụn.
“Bạn bè tôi đều kiệt quệ, mọi người hỏi nhau có nên tiếp tục vận hành mỏ đào hay không, rồi có nên chốt sổ, bán Bitcoin không. Không ai đưa ra được câu trả lời, rồi sau đó họ dần biến mất”, Yunge, chủ một mỏ đào Bitcoin nói.
Niềm tin Bitcoin
Những đà tăng giảm điên cuồng của Bitcoin đã “hạ gục” nhiều thợ đào, nhưng không phải tất cả. Long Tan, một thợ đào Bitcoin khác đã phất lên nhờ chốt lời đúng lúc và dừng lại vào đầu điểm rơi và vẫn còn giữ lại cho mình 5 đồng. Anh quyết giữ lại số tiền ảo này, bất chấp những biến đổi về giá trong ba năm qua.
“Tôi nghĩ Bitcoin không thể kết thúc theo cách này. Có một số quy tắc lịch sử nhất định phải tuân theo. Các lần giảm giá diễn ra theo một chu kỳ nhất định. Giá cuối cùng của Bitcoin không phải 20.000 hay 40.000 USD. Nó có thể lên đến 50.000 USD rồi 100.000 USD”, Long Tan nói.
Chen Jiu, một thợ đào khác nói việc khai thác tiền ảo ngày một khó. “Ngay cả khi Bitcoin có lên 1 triệu USD tôi cũng không có nhiều xu trong tay. Hãy để tôi đào thêm, tôi cần thêm thời gian để tích trữ tiền”, Chen Jiu nói.
Nhiều thợ đào Bitcoin vẫn giữ niềm tin vào tiền ảo, tuy nhiên, trong những thời điểm nhạy cảm như hiện tại, họ không ồ ạt lên đời, mở rộng quy mô mỏ. “Tôi có 500 máy, chỉ đào được vào mùa mưa, mùa nắng không đủ điện vận hành. Dù có tăng giảm thế nào, tôi vẫn nghĩ Bitcoin là kênh đầu tư tốt. Cứ chăm chỉ, rồi một Bitcoin sẽ mua được một chiếc xe rồi một biệt thự. Tôi đã kiếm đủ từ Bitcoin, từ giờ số xu kiếm được tôi sẽ để dành cho con mình”, Liu Wuze, một thợ đào Bitcoin từ năm 2017 nói.
Khương Nha (theo The Paper)
- Nỗi ám ảnh Bitcoin của người buôn ‘trâu cày’
- Thợ đào tiền ảo và ‘cú sốc’ Bitcoin
- ‘Bitcoin là mẹ của mọi bong bóng’