DCA là gì? Cách vận dụng chiến lược trung bình giá hiệu quả nhất
Biến động thị trường là mối lo ngại của nhiều nhà đầu tư. Có nhiều biện pháp được sử dụng để giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến động thị trường, DCA là một trong những chiến lược hiệu quả nhất. Vậy DCA là gì? Cùng Chứng khoán VINA tìm hiểu chi tiết về chiến lược này trong bài viết dưới đây.
DCA là gì?
DCA là viết tắt của từ Dollar Cost Averaging, được hiểu là chiến lược bình quân giá hay chiến lược trung bình giá. Theo đó, nguồn vốn được chia nhỏ đầu tư ở những thời điểm khác nhau thay vì mua tất cả cùng một lúc. Cách này giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến động thị trường tới danh mục đầu tư.
Hiểu đơn giản thì chiến lược DCA là việc nhà đầu tư chia số tiền thành nhiều phần (bằng nhau hoặc theo một tỷ lệ nhất định) sử dụng cho nhiều lần giao dịch thay vì chỉ đầu tư tất cả vào một lần duy nhất. Giá giao dịch của cả khoản đầu tư được tính bằng cách lấy trung bình giá của tất cả các lần giao dịch.
Theo đuổi chiến lược này, nhà đầu tư không cần dành quá nhiều thời gian để phân tích, tính toán, lựa chọn sản phẩm đầu tư có giá tốt nhất. Các giao dịch diễn ra không quá phụ thuộc vào giá sản phẩm. Điều này giúp nhà đầu tư tránh được thua lỗ do lựa chọn sai thời điểm đầu tư hoặc định giá không chính xác.
Ưu và nhược điểm của chiến lược trung bình giá là gì?
Chiến lược trung bình giá DCA được nhiều nhà đầu tư sử dụng như một cách tích lũy tài sản tiết kiệm dài hạn, hạn chế rủi ro về giá khi giao dịch thường xuyên. Phương pháp này ngày càng được yêu thích, đặc biệt đối với nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Tuy nhiên, nếu muốn vận dụng tốt DCA, người chơi cần phải hiểu rõ ưu và nhược điểm của DCA là gì:
Ưu điểm
Phương pháp trung bình giá có những ưu điểm như sau:
- Giảm nguy cơ đầu tư cảm tính: Đầu tư tài chính là vấn đề cần tính toán, suy nghĩ lý tính. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm dễ quyết định theo cảm tính do FOMO, dẫn tới thua lỗ. DCA là cách để nhà đầu tư có thêm thời gian suy nghĩ hoặc giảm bớt thiệt hại khi lỡ đầu tư sai.
- Không đặt nặng việc đầu tư đúng thời gian, đúng mã cụ thể: Với DCA, nguồn vốn sẽ được trải đều trong suốt quá trình đầu tư. Bạn không cần quá bận tâm tới việc canh đúng thời gian đặt lệnh nữa.
- Tiết kiệm chi phí đầu tư: Bạn không cần bỏ vốn lớn trong một lần giao dịch. Số vốn được tích lũy dần trong dài hạn. Cách này mở ra cơ hội đầu tư với những ai có nguồn vốn hạn chế.
- Tiết kiệm thời gian đầu tư: Nhà đầu tư chỉ cần áp dụng theo đúng kế hoạch DCA đã đặt ra từ trước như đầu tư vào lúc nào, đầu tư bao nhiêu tiền… Ngoài ra, không cần theo dõi biến động thị trường thường xuyên mỗi ngày. Tuy nhiên, việc theo dõi biến động thị trường không thể bỏ qua, bạn vẫn cần nắm bắt được diễn biến thị trường để có sự điều chỉnh hợp lý.
- Rút ngắn thời gian hòa vốn: So với đầu tư tổng hợp (all in), trung bình giá thấp hơn, điểm hòa vốn cũng thấp hơn. Do đó, thời gian hòa vốn nhanh hơn, khả năng sinh lời cao hơn.
Nhược điểm
Phương pháp DCA vẫn còn những nhược điểm, bạn cần chú ý khi đầu tư như:
- Chi phí giao dịch cao hơn: Vì số vốn được chia nhỏ thành nhiều lần giao dịch, mỗi lần giao dịch phát sinh một lần phí nên chi phí giao dịch nói chung cao hơn đầu tư tổng hợp.
- Lợi nhuận có thể thấp hơn đầu tư all in: Với all in, nếu bạn chọn được mã cổ phiếu tốt, đầu tư đúng thời điểm, lợi nhuận thu về sẽ cao. Cùng mã đó đầu tư theo DCA, lợi nhuận sẽ thấp hơn do giá trung bình. Ngoài ra, đầu tư DCA vẫn có thể thua lỗ mất hết nếu bạn đầu tư vào mã không tốt.
- Bỏ lỡ thời điểm đầu tư tuyệt vời: Với DCA, thời điểm và số tiền đầu tư mỗi lần có thể được xác định từ trước, không phụ thuộc và diễn biến thị trường. Như vậy, có thể bạn sẽ bỏ lỡ thời điểm đầu tư sinh lời tốt nhất.
Đối tượng nào phù hợp sử dụng chiến lược DCA?
Với những ưu và nhược điểm nêu trên, chiến lược DCA phù hợp với những đối tượng sau:
- Người có số vốn nhỏ: Đầu tư theo chiến lược DCA không yêu cầu số tiền đầu tư mỗi lần lớn. Bạn có thể tích lũy dần trong nhiều lần.
- Người thích sự an toàn, ngại rủi ro, muốn đầu tư dài hạn: DCA sẽ là chiến lược phù hợp nhất cho những ai muốn đầu tư an toàn, hạn chế rủi ro, không yêu cầu lợi nhuận cao và đầu tư trung, dài hạn.
- Người không theo dõi thị trường thường xuyên: Nếu bạn không thường xuyên theo dõi thị trường, không biết cách phân tích các thông tin đó để đưa ra quyết định đầu tư thì DCA là phương pháp đầu tư phù hợp với bạn.
Hướng dẫn cách tính DCA
Chiến lược DCA có thể áp dụng được trong nhiều lĩnh vực đầu tư khác nhau như cổ phiếu, ngoại hối, tiền điện tử… Cách tính DCA có thể thực hiện theo 3 trường hợp như sau:
Trường hợp số coin mua mới ít hơn số lượng mua cũ:
- Mua lần 1: 100 BTC giá 50.000 USD
- Mua lần 2: 50 BTC giá 20.000 USD
- Giá DCA = (100*50.000 + 50*20.000)/150 = 40.000 USD (giá hòa vốn).
Trường hợp số coin mua mới bằng số lượng mua cũ:
- Mua lần 1: 50 BTC giá 50.000 USD
- Mua lần 2: 50 BTC giá 20.000 USD
- Giá DCA = (50.000 +20.000)/2 = 35.000 USD (giá hòa vốn).
Trường hợp số coin mua mới nhiều hơn số lượng mua cũ:
- Mua lần 1: 50 BTC giá 50.000 USD
- Mua lần 2: 100 BTC giá 20.000 USD
- Giá DCA = (50*50.000+100*20.000)/150 = 30.000 USD (giá hòa vốn).
Như vậy, tùy số lượng mua mỗi lần mà cách tính DCA sẽ có sự khác biệt.
Cách vận dụng chiến lược trung bình giá hiệu quả
DCA là chiến lược phân tán và giảm thiểu rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, muốn vận dụng hiệu quả, người chơi cần thực hiện đúng cách. Các bước triển khai DCA là gì? Bạn có thể thực hiện theo 5 bước như sau:
- Bước 1: Xác định cụ thể mức thua lỗ cao nhất bạn có thể chấp nhận, trong khoảng 5 – 10%. Đây là bước chuẩn bị tâm lý trong trường hợp kế hoạch không đúng hướng.
- Bước 2: Tính toán và xác định số lần đặt lệnh phù hợp với điều kiện tài chính của bạn.
- Bước 3: Lập kế hoạch phân bổ vốn phù hợp trong các lần giao dịch.
- Bước 4: Lên kế hoạch đầu tư, xác định các thời gian đặt lệnh, chốt lời, cắt lỗ.
- Bước 5: Chọn thời điểm tiến hành DCA phù hợp.
Cần lưu ý gì khi sử dụng chiến lược bình quân giá DCA?
Để chiến lược DCA phát huy hiệu quả tốt nhất, nhà đầu tư cần chú ý một số điều sau:
- Lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp: Trên thị trường có hàng ngàn mã cổ phiếu, nhiều loại tiền tệ, nhiều loại tiền điện tử. Bạn không thể đầu tư vào tất cả. Hãy lựa chọn những loại phù hợp cho danh mục đầu tư của bạn. Tuy nhiên, đừng chọn quá nhiều, mỗi danh mục chỉ nên có 4 – 5 loại mà thôi.
- Theo dõi biến động giá nếu bạn có ý định mua nhiều hơn số lượng trong kế hoạch: Bạn không nên vội mua thêm khi thấy xu hướng giá giảm hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác. Hãy tính toán số lượng và mức giá mua phù hợp để không bị thua lỗ.
- Không nên bỏ qua diễn biến thị trường: Đầu tư theo DCA không loại bỏ hoàn toàn rủi ro do biến động thị trường. Bạn vẫn nên để ý các thông tin, thay đổi trên thị trường để có điều chỉnh phù hợp.
- Không nên mua số lượng quá nhiều ở một mức giá: Khi thấy giá giảm xuống thấp, nhiều người sẽ có tâm lý chớp thời cơ mua nhiều để được giá tốt. Tuy nhiên, bạn không thể biết được tiếp theo sẽ biến động như thế nào. Tốt nhất vẫn nên tuân thủ theo đúng chiến lược DCA ban đầu.
Một số câu hỏi liên quan đến DCA
DCA là chiến lược được nhiều nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực quan tâm. Có nhiều thắc mắc liên quan tới chiến lược DCA. Dưới đây là giải đáp những câu hỏi phổ biến nhất.
Khi nào nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược DCA?
Nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược DCA khi:
- Tin tưởng vào danh mục đầu tư của mình và chuẩn bị sẵn tâm lý ổn định trước biến động thị trường.
- Áp dụng với những mã cổ phiếu mạnh trong gói VN30, HNX30… hay nền tảng tiền điện tử mạnh như BTC, BNB, ETH…
- Thị trường đang trong xu hướng, có các ngưỡng hỗ trợ mạnh ở dưới.
Nhà đầu tư không nên áp dụng DCA khi:
- Thị trường đang downtrend: Lúc này dù sử dụng chiến lược khôn ngoan đến đâu bạn cũng có thể bị thua lỗ. Sử dụng DCA khiến nguy cơ cháy túi cao hơn.
- Thị trường đang xu hướng lên: Đầu tư theo DCA có thể làm giảm lợi nhuận của nhà đầu tư.
- Khi sử dụng đòn bẩy tài chính: DCA chỉ nên sử dụng với nguồn vốn có sẵn của bạn, không nên sử dụng với đòn bẩy tài chính. Khi đó, đòn bẩy tài chính chỉ khiến rủi ro nhân lên mà thôi.
Có nên áp dụng DCA vào Crypto?
Cho đến nay, Crypto vẫn là một thị trường có nhiều biến động, khó dự đoán, nắm bắt. Do vây, nhà đầu tư rất khó để xác định đúng thời điểm nào nên tham gia thị trường này. Nếu dồn hết tiền vào một lần giao dịch, rủi ro sẽ rất cao. Đầu tư theo chiến lược DCA là lựa chọn phù hợp giúp nhà đầu tư có thêm thời gian đánh giá thị trường, giảm tỷ lệ rủi ro.
DCA chứng khoán và tiền điện tử có giống nhau không?
Nhìn chung, DCA trong chứng khoán và tiền điện tử tương đối giống nhau. Có một số điểm khác biệt sau:
- Trong đầu tư chứng khoán: DCA thường được sử dụng với mục tiêu phân tán rủi ro khi thị trường biến động. Số tiền đầu tư mỗi lần giao dịch thường được chia đều.
- Trong đầu tư tiền điện tử: DCA được sử dụng để giảm thiểu rủi ro vì thị trường này nhiều rủi ro và rủi ro cao hơn so với chứng khoán. Số tiền đầu tư có thể khác nhau mỗi lần giao dịch.
Tần suất giao dịch khi sử dụng chiến lược DCA như thế nào tốt nhất?
Tần suất giao dịch phụ thuộc vào mục tiêu và điều kiện tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, tần suất càng thường xuyên, bạn có nhiều khả năng nắm bắt được thời điểm đầu tư tốt. Thay vì đầu tư tất cả vốn trong một lần, bạn có thể chia nhỏ số tiền đó và đầu tư theo tần suất vài tuần hoặc theo tháng, vài tháng.
Trên đây là tất cả thông tin về DCA là gì và các lưu ý để vận dụng DCA hiệu quả. Đây là chiến lược phân tán và hạn chế rủi ro đơn giản và hiệu quả trong đầu tư tài chính. Bạn nên tìm hiểu và cân nhắc sử dụng chiến lược này vào danh mục đầu tư của mình, nhất là khi thị trường có nhiều biến động như hiện nay.