Những lễ hội đua ngựa độc đáo ở Việt Nam
1. Lễ hội đua ngựa ở gò Thì Thùng, Phú Yên
Vào mỗi dịp xuân về, những chú ngựa thồ quanh năm gắn với cuộc sống thường nhật của người dân ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên lại có cơ hội tham gia vào hội đua ngựa, một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.
Hàng trăm người cổ vũ hào hứng trong cuộc đua ngựa ở Phú Yên. Ảnh: Báo ảnh VN
Nhiều năm nay, hội đua ngựa truyền thống ở gò Thì Thùng đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách gần xa về tham dự. Những kỵ sĩ tham gia cuộc đua đều là những người nông dân chân chất, sống ở các xã trong vùng. Để chuẩn bị cho hội đua ngựa này, từ trước tết, những chàng trai trong làng đã ra sức chăm chút cho những ngựa thồ để trở thành những chiến mã oai phong.
Điểm đua ngựa ở gò Thì Thùng là một khoảng đất rộng, bằng phẳng. Những chú ngựa hàng ngày thồ hàng, lên rẫy giờ được khoác thêm tấm vải màu và đánh số cho thêm phần long trọng. Những kỵ sĩ được khoác áo màu sắc để phân biệt.
Lệnh xuất phát là tiếng tù và của ban tổ chức. Sau một hồi tù và vang lên, các kỵ sỹ thúc ngựa phóng nhanh về phía trước trong tiếng trống thúc giục rộn rã và tiếng reo hò cổ vũ của khán giả vang dội hai bên đường. Sau cuộc đua, tất cả mọi người đều ngồi vào mâm cỗ mà mọi người đi dự hội đã mang theo, đóng góp từ trước như vài cân gạo nếp, con gà, con vịt… cùng nhau vui vẻ mà không tốn nhiều chi phí. Họ cùng nâng cốc chúc tụng nhau một năm mới gặp nhiều niềm vui và những điều tốt lành trong cuộc sống.
2. Tưng bừng lễ hội đua ngựa Bắc Hà, Lào Cai
Nhiều năm trước đây, ở vùng Bắc Hà, Lào Cai mỗi độ xuân về, khi những cành hoa đào, hoa mơ, hoa mận bung sắc thắm trên khắp các nẻo đường là lúc người dân nô nức kéo về sân dinh thự của Hoàng A Tưởng để xem hội đua ngựa, bắn súng.
Những chú ngựa thồ hàng ngày trở nên dũng mãnh trong cuộc đua. Ảnh: Đại biểu nhân dân
Trên trường đua, các trai bản được nai nịt gọn gàng, oai vệ cầm súng trên tay. Khi nghe tiếng súng hiệu lệnh, họ rạp mình trên lưng ngựa, phi như bay. Đến gần đích, những kỵ mã chân đất đều nhảy thật nhanh xuống đất, nhằm bia bắn liền 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng.
Những năm gần đây, giải đua ngựa đã có nhiều thay đổi, thời điểm đã chuyển sang tháng 6 mùa hè nhưng không kém phần sôi động và hào hứng. Mỗi năm, lễ hội đua ngựa này lại được tổ chức một cách quy mô và bài bản hơn, thu hút hàng vạn khách du lịch từ khắp nơi kéo về tham dự.
Trường đua ngựa ngày nay là sân vận động lớn có tường rào kiên cố và đua theo tốp 5 ngựa. Ngựa nào về đích nhanh nhất thì thắng và có quyền tiếp tục vào vòng trong. Vòng chung kết sẽ chọn ra giải nhất, nhì, ba và khuyến khích. Hội đua ngựa hàng năm đã trở thành một lễ hội độc đáo của người dân Tây Bắc, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân bản địa.
Điểm ấn tượng trong cuộc đua ngựa là những chiến mã đều là những chú ngựa hàng ngày thồ hàng lên nương rẫy. Kỵ mã cũng là những chàng trai hiền lành chân chất, quanh năm quanh quẩn với ruộng nương, núi rừng giờ trở nên oai phong trên lưng ngựa chỉ với một chiếc mũ nhựa bảo hiểm, leo lên lưng ngựa phi mà không cần yên, không cần bàn đạp giữ chân. Họ thể hiện sự dũng cảm, bản lĩnh và tài năng trong tiếng cổ vũ reo vang không ngớt của khán giả.
3. Lễ hội chọi ngựa Hà Giang
Đấu ngựa là trò chơi lúc nông nhàn của người dân xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, Hà Giang thuở xa xưa, vào hai dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng 7. Tuy nhiên nhiều năm qua, tập tục truyền thống của dân tộc Tày đã vắng bóng và mới được khôi phục lại năm 2013.
Hai chú ngựa lao vào nhau trong cuộc chiến tranh giành ngựa cái. Ảnh: tintucdulich
Theo quy định, giải đấu ngựa sẽ được tổ chức hai lần mỗi năm, vào rằm tháng Giêng và rằm tháng 7 âm lịch tại khu du lịch sinh thái Thủy Lâm Viên để phục vụ bà con và du khách thập phương.
Ngay từ trước ngày thi đấu, những con ngựa to khỏe, dũng mãnh nhất đã được tuyển lựa và chăm sóc kỹ lưỡng. Chúng được tập luyện và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đặc biệt. Trừ trời lạnh, còn ngày nào cũng phải tắm cho ngựa một lần. Hàng ngày, ngựa phải được lên đồi cao ăn cỏ, hít thở không khí trong lành. Mỗi con ngựa được xích riêng một nơi để tránh cắn nhau.
Thể thức thi đấu loại trực tiếp để chọn lựa các cặp ngựa chiến thắng thi đấu vòng chung kết. Trước khi giao đấu, hai chú tuấn mã được đưa ra “ngửi hít” một con ngựa cái làm mồi nhử. Sau khi ngựa cái được dắt đi, hai chú ngựa đực xông vào nhau bắt đầu cuộc chiến tranh giành. Chúng đá, cào, tát… để giành chiến thắng.
Những tiếng gầm gừ, rú rít cùng tiếng cổ vũ, phấn kính reo hò của những người tham dự cuộc chọi ngựa vang lên trong không gian yên tĩnh của núi rừng. Chú ngựa nào bị đuổi ra ngoài là thua cuộc. Vì thế, cuộc đấu ngựa chính là cuộc chiến tranh giành bạn tình.
Năm qua, việc khôi phục giải đấu ngựa đã góp phần lưu giữ được truyền thông của người dân tộc Tày và tạo nên một lễ hội đặc sắc hấp dẫn du khách khi đến với cao nguyên Hà Giang.
(Nguồn: Sưu tầm)