Thế giới
Diễn biến này mở ra một quy trình gian nan để chia nhỏ công ty địa ốc là nạn nhân lớn nhất trong cuộc khủng hoảng bất động sản khiến nền kinh tế Trung Quốc đảo lộn mấy năm qua.
Câu chuyện của Evergrande đã đi từ một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc – phát triển bùng nổ trong thời kỳ sốt nhà đất kéo dài suốt mấy thập kỷ ở nước này và tích luỹ số nghĩa vụ nợ lên tới 300 tỷ USD – đến chỗ trở thành biểu tượng cho sự đảo ngược vận may khi khủng hoảng ập đến. Ở thời điểm cổ phiếu Evergrande bị đình chỉ giao dịch vào ngày 29/1, giá trị vốn hoá thị trường của công ty này chỉ còn vỏn vẹn 275 triệu USD, giảm hơn 99% so với mức đỉnh – hãng tin Bloomberg cho hay.
QUY TRÌNH THANH LÝ KHÔNG DỄ DÀNG
Sự sụp đổ của Evergrade đến nay là lớn nhất trong cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc – một cuộc khủng hoảng dai dẳng mấy năm qua, khiến tăng trưởng kinh tế lớn thứ hai thế giới thụt lùi và hàng loạt doanh nghiệp bất động sản khác rơi vào cảnh vỡ nợ, phá sản.
Tuy phán quyết nói trên được đưa ra bởi một toà án ở Hồng Kông, phần lớn tài sản của Evergrande nằm ở Trung Quốc đại lục. Một ban quản trị mới của Evergrande được cho là sẽ gặp không ít thách thức trong việc bán tài sản, xét tới tình trạng thiếu thanh khoản và niềm tin giảm xuống thấp trong lĩnh vực địa ốc ở Trung Quốc hiện nay.
Quá trình thanh lý Evergrande cũng sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư toàn cầu, trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại đã rút hàng tỷ USD vốn đầu tư khỏi Trung Quốc đại lục vì những lo ngại liên quan đến thay đổi chính sách trong những năm gần đây, cũng như do triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Về phần mình, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ phải cân bằng giữa các mục tiêu đối nghịch gồm vực dậy niềm tin của nhà đầu tư, thúc đẩy hoàn thiện các dự án bất động sản còn dang dở, và giữ vững ổn định tài chính trước những “sóng gió” từ ngành địa ốc.
“Thị trường sẽ theo dõi sát sao những gì mà các nhà thanh lý tài sản Evergrande có thể làm sau khi được bổ nhiệm, nhất là việc những người này có được toà án Trung Quốc đại lục công nhận hay không”, luật sư Lance Jiang của công ty luật Ashurst nói với Bloomberg. “Các nhà thanh lý sẽ có quyền lực rất hạn chế trong việc thực thi thanh lý tài sản ở đại lục nếu không có được sự công nhận như vậy”.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc bắt đầu vào năm 2021, toà án Hồng Kông đã đưa ra ít nhất 3 phán quyết thanh lý tài sản, giải thể công ty đối với các doanh nghiệp địa ốc khác ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, không vụ nào trong số này có thể so sánh với Evergrande về mức độ phức tạp, quy mô tài sản, và số lượng người nắm giữ lợi ích. Ngoài ra, hầu như chưa có dấu hiệu chuyển động nào trong việc thanh lý tài sản của 3 công ty bất động sản kia.
HY VỌNG NÀO CHO NHÀ ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU?
Các phán quyết về giải thể doanh nghiệp mà toà án Hồng Kông đưa ra ít được công nhận ở Trung Quốc đại lục, và toà án ở đại lục cũng có thể tự bổ nhiệm nhà quản trị cho việc thanh lý tài sản doanh nghiệp. Điều này có thể đặt ra một tình thế khó khăn cho các chủ nợ đang nắm giữ 17 tỷ USD trái phiếu USD nằm trong chương trình tái cơ cấu nợ mà Evergrande đề xuất.
Theo dữ liệu của Bloomberg, phần lớn các trái phiếu trên của Evergrande được định giá ở mức khoảng 0,015 USD/1 USD mệnh giá vào thời điểm ngày thứ Sáu tuần trước – một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư có hy vọng rất thấp về việc có thể lấy lại được tiền.
Đơn kiện yêu cầu Evergrande thanh lý tài sản được nộp lên toà án ở Hồng Kông vào tháng 6/2022 bởi công ty Top Shine Global Limited of Intershore Consult (Samoa) Ltd., một nhà đầu tư chiến lược của nền tảng bán hàng trực tuyến thuộc Evergrande. Trong phán quyết yêu cầu thanh lý tài sản, thẩm phán Linda Chan cho rằng Evergrande không có khả năng thực thi kế hoạch tái cơ cấu nợ.
Bất kỳ một nhà thanh lý tài sản nào do toà án chỉ định cũng sẽ đứng trước một quy trình gian nan, bởi hầu hết các dự án của Evergrande đều thuộc sự quả lý của các chi nhánh địa phương và hơn 90% tài sản của công ty nằm ở Trung Quốc đại lục. Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Evergrande, ông Hui Ka Yan đã bị cảnh sát quản chế từ tháng 9 năm ngoái để điều tra về nghi án vi phạm hình sự. Cuộc điều tra này sẽ khiến cho việc thanh lý tài sản của Evergrande càng khó khăn hơn.
Trong suốt 1 thập kỷ qua, Evergrande là công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh số. Vụ vỡ nợ trái phiếu USD đầu tiên của Evergrande xảy ra vào tháng 12/2021, gây ra một cú sốc niềm tin đối với giới đầu tư toàn cầu. Nỗi lo ngại của nhà đầu tư hiện đang tập trung vào một doanh nghiệp địa ốc khổng lồ khác của Trung Quốc là Country Garding Holdings – công ty đã vỡ nợ vào tháng 10 năm ngoái.
Để ngăn cuộc khủng hoảng bất động sản trở nên tồi tệ hơn, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp để cải thiện doanh số bán nhà và tăng cường thanh khoản cho các công ty địa ốc nặng nợ. Tuy nhiên, doanh số bán nhà và giá nhà ở nước này vẫn tiếp tục trượt dốc. Trong vòng 1 năm qua, một chỉ số của Bloomberg đo giá cổ phiếu bất động sản Trung Quốc đã giảm 59%.
“Ảnh hưởng kinh tế vĩ mô của việc China Evergrande thanh lý tài sản sẽ chỉ ở mức hạn chế, vì bản thân việc thanh lý này khó có thể gia tăng sức ép lên lĩnh vực bất động sản vốn dĩ đã rất yếu của Trung Quốc. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư sẽ suy giảm. Họ sẽ lo ngại về ảnh hưởng của vụ này đến các vụ kiện khác còn đang treo”, nhà kinh tế cấp cao Gary Ng của ngân hàng đầu tư Natixis SA nhận định.