Giá trị hợp lí (Fair value) trong kế toán là gì?
Giá trị hợp lí (Fair value)
Định nghĩa
Giá trị hợp lí trong tiếng Anh là Fair value. Giá trị hợp lí trong kế toán là giá có thể được giao dịch tự nguyện, giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong giao dịch ngang giá.
Bản chất
– Giá cả được coi là hợp lí phải xoay quanh giá trị (giá trị kinh tế thực) và biểu hiện ra bên ngoài ở sự ngang giá.
– Trên thực tế rất khó xác định được giá trị thực, do vậy thông thường phải căn cứ vào những dấu hiệu nhất định để xác định mức giá của giao dịch có hợp lí hay không.
Điều kiện ghi nhận giá trị hợp lí
Các dấu hiệu chính để ghi nhận giá trị hợp lí bao gồm:
+ Các bên đều có hiểu biết thực tế về đối tượng giao dịch.
Nếu có một hoặc cả hai bên không có hiểu biết về thực tế về đối tượng giao dịch thì mức giá phát sinh trong giao dịch đó không được coi là giá hơp lí.
Ví dụ, bên mua muốn mua một chiếc ô tô cũ nhưng không hiểu biết gì về thị trường ô tô cũ nên chấp nhận mức giá bất kì mà bên bán đưa ra; bên cho vay không hiểu biết về lãi suất cho vay hiện hành nên chấp nhận mức lãi suất bất kì mà bên vay đề xuất…
+ Các bên đều có mong muốn và sẵn sàng thực hiện giao dịch ở mức giá đó.
Nếu một giao dịch xảy ra miễn cưỡng do hoàn cảnh điều kiện nào đó thì mức giá của giao dịch này không được coi là giá hợp lí.
Ví dụ, bên bán đang rất cần tiền nên bán rẻ nhà xưởng một cách miễn cưỡng theo mức giá của bên mua mong muốn; bên vay đang cần tiền gấp nên chấp nhận vay với mức lãi suất rất cao của bên cho vay đề nghị…
+ Giao dịch được thực hiện như trong các giao dịch thông thường giữa những bên bình thường.
Nếu trong một giao dịch mà các bên có sự quen biết hoặc quan hệ đặc biệt dẫn đến có yếu tố ưu tiên hay thiên vị về mức giá thì giá đó không được coi là giá trị hợp lí.
Ví dụ công ty con bán tài sản cho công ty mẹ với mức giá rẻ hơn giá thị trường; công ty mẹ cho công ty con vay với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất…
Đặc điểm
Bằng chứng tốt nhất cho các dấu hiệu trên là giá trị hợp lí phải được xác định với những đặc điểm chính sau:
+ Các đối tượng giao dịch phải đồng nhất, hoặc tương tự với đối tượng tính giá.
+ Dễ dàng tìm được đối tác giao dịch tại mọi thời điểm; giao dịch với khối lượng lớn và thường xuyên; thanh khoản tốt; khoảng cách cung cầu khôn quá lớn về kì vọng.
+ Thông tin giá cả luôn có sẵn đối với công chúng…
Trường hợp tồn tại thị trường hoạt động, giá trị hợp lí được xác định căn cứ vào giá thị trường của đối tượng giao dịch đồng nhất; hoặc giá thị trường của đối tượng tương tự được điều chỉnh cho những khác biệt.
Trường hợp thị trường không hoạt động tồn tại, giá trị hợp lí sẽ được xác định thông qua định giá.
Ví dụ
Ngày 05/02/N, Công ty A nhận được một lô hàng hóa Y có trọng lượng 500 kg do đơn vị bạn biếu tặng.
Tại thời điểm xảy ra giao dịch, nếu Công ty mua loại hàng hóa này trên thị trường thì đơn giá mua sẽ là 400.000 đồng/kg. Đến ngày 31/12/N, đơn giá mua của loại hàng hóa Y trên thị trường 340.000 đồng/kg.
Trong tình huống này, công ty A được biếu tặng lô hàng hóa Y nên không tồn tại giá trao đổi thực tế, thay vào đó lô hàng này sẽ được kế toán ghi nhận ban đầu theo giá trị hợp lí.
Với giả định tồn tại thị trường hoạt động cho hàng hóa Y thì giá trị hợp lí tại thời điểm ghi nhận ban đầu của lô hàng hóa Y tương đương giá thị trường ở thời điểm đó là 200 triệu.
Nếu loại hàng hóa Y trong ví dụ trên không có thị trường hoạt động thì lúc đó giá trị hợp lí của lô hàng phải được định giá theo phương thức thích hợp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Nguyên lí kế toán, NXB Tài chính)