Nở rộ trào lưu mua "giày ảo" để vừa chạy vừa kiếm tiền
Trong vài năm qua, các trào lưu mới liên tục xuất hiện trong thị trường tiền điện tử, như ICO, tài chính phi tập trung (DeFi), meme coin, mã thông báo không thể thay thế (NFT) hay Play to earn (chơi game kiếm tiền).
Move to earn là gì?
Và gần đây nhất, cộng đồng tiền mã hóa lại tiếp tục dậy sóng với xu hướng Move to earn (chạy để kiếm tiền). Move to earn là một khái niệm tương đối mới. Tuy vậy, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng mô hình này được hình thành bằng cách áp dụng các yếu tố bao gồm Game Fi, Social Fi và NFT. Các dự án Move to earn được sinh ra nhằm khuyến khích lối sống lành mạnh và người dùng sẽ nhận được phần thưởng khi thực hiện những nhiệm vụ của ứng dụng.
Trong đó, StepN là cái tên nổi bật nhất, đang được rất nhiều người dùng tại Việt Nam và trên thế giới quan tâm. Ứng dụng này được xây dựng dựa trên mạng Solana. Nền tảng này tự mô tả mình là một “ứng dụng phong cách sống Web3”, dành phần thưởng cho những người dùng duy trì lối sống lành mạnh thông qua việc đi bộ hoặc chạy bộ.
Để có thể bắt đầu kiếm tiền từ StepN, người dùng sẽ cần đúc, mua hoặc thuê một đôi giày NFT. Hiện tại, chi phí thấp nhất để sở hữu một đôi “giày ảo” là hơn 10 Solana, tương đương hơn 20 triệu đồng. Mức giá này đã liên tục tăng trong khoảng một tháng qua.
Mỗi đôi “giày ảo” này sẽ có các chức năng khác nhau, phục vụ cho nhu cầu đi bộ hoặc chạy bộ. Hiện tại, có 4 loại giày, bao gồm walker, jogger, runner và trainer. Giá của các đôi “giày ảo” này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chức năng, độ hiếm và cấp độ.
StepN cũng sử dụng mô hình token kép, giống với nhiều tựa game Play to earn khác. Cụ thể, ứng dụng này có 2 token, gồm Green Satoshi Token (GST) và Green Metaverse Token (GMT). GST là token dùng để tiện ích và có nguồn cung không giới hạn, trong khi GMT là token quản trị, có nguồn cung hạn chế ở mức 6 tỷ coin.
Dù có nguồn cung vô hạn, StepN cũng có cơ chế “đốt” loại token này, giúp kiểm soát nguồn cung lưu hành và hạn chế lạm phát. Theo đó, người chơi sẽ cần sử dụng GST để đúc, sửa chữa hoặc nâng cấp “giày ảo”. Việc nâng cấp này có tác dụng giúp người chơi có thể tăng khả năng kiếm tiền.
Kể từ khi được bán trên Binance Lauchpad vào ngày 2/3, giá trị của đồng GMT đã tăng 31.000%. Vào ngày 1/4, giá của mỗi token GMT tăng lên mức kỷ lục đạt 3,11 USD. Hiện tại, do sự suy giảm chung của thị trường, mức giá của token này đã được điều chỉnh về khoảng 2,2 USD.
StepN cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc ở số lượng người dùng hoạt động hàng tháng. Con số này đã tăng từ 1.500 người trong tháng 1, lên đến hơn 100.000 người vào tháng 3.
“Khi bạn chạy hoặc đi bộ, có hơn 30.000 người khác cũng đang tập cùng bạn, không phải trên vũ trụ ảo mà là ở ngoài cuộc sống”, StepN công bố trên Twitter.
Theo Crypto Potato, có nhiều nguyên nhân khiến cho giá của token GMT tăng hơn 300 lần trong một tháng qua. Giống như nhiều cơn sốt trước đây trong thị trường tiền điện tử, mô hình Move to earn đang khiến cho nhiều người tham gia cảm thấy phấn khích. Từ đó, lượng người FOMO cũng tăng mạnh.
Ngoài ra, dự án này cũng có định hướng phát triển rõ ràng. Mới đây, một phát ngôn viên của StepN đã úp mở về việc hợp tác với một thương hiệu thể thao lớn. Những tin tức trên đã giúp cho tâm lý thị trường trở nên tích cực hơn, kéo theo nhu cầu đối với token GTM tăng cao.
Nhiều ý kiến trái chiều
Nhiều người dùng tham gia ứng dụng này với kỳ vọng rằng nó có thể trở thành một mô hình kiếm tiền lâu dài tương tự Axie Infinity. Tuy vậy, cũng có một bộ phận khác tìm đến StepN để có trải nghiệm mới.
“Tôi quyết định đầu tư vào ứng dụng này vì nhiều lý do khác nhau. Là một người làm trong lĩnh vực công nghệ, tôi muốn tìm hiểu về blockchain, NFT và các loại game mới. Với riêng tôi, đây là thời điểm khá phù hợp để tìm hiểu về những mô hình này. Hơn nữa, ứng dụng cũng liên quan đến môn chạy bộ, một hoạt động mà tôi rất thích. Hai yếu tố này gộp lại khiến tôi muốn tham gia thị trường. Ngoài ra, việc vừa chạy bộ vừa thu được token cũng khá thú vị”, anh Nguyễn Hải Đăng, một người tham gia đầu tư chia sẻ.
Anh Đăng cho biết thêm rằng bản thân đã tham gia trải nghiệm ứng dụng này khoảng hơn 2 tuần. Tuy nhiên, do số tiền đầu tư ban đầu tương đối lớn, thêm vào đó đa phần số GST thu được đều sử dụng để nâng cấp giày và tăng level, nên chưa thể thu hồi vốn hay thu lời.
“Bản thân tôi tin tưởng rằng mô hình Move to earn có khả năng phát triển khá bền vững. Dĩ nhiên, việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Xu hướng đã có, nhưng ứng dụng đạt được thành công hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào các nhà phát triển. Nếu là một người thích chạy và đam mê vận động, đây sẽ là một mô hình khá tốt để tham gia. Việc tham gia mô hình này sẽ tạo động lực để bạn chạy bộ. Ngược lại, việc chạy bộ sẽ giúp bạn kiếm tiền. Tuy nhiên, cũng cần rất lưu ý rằng đầu tư sẽ có rủi ro. Vì thế, người chơi phải chuẩn bị tinh thần cho điều đó”, anh Đăng nói.
Trong khi đó, theo Wu Blockchain, nếu một trò chơi có nhiều người kiếm tiền hơn là tiêu tiền thì cuối cùng nó vẫn chỉ là một mô hình ponzi (đa cấp). Lúc này, số tiền thu về của người chơi trước sẽ đến từ những người chơi sau.
Nói với những người bạn chạy bộ, anh Nguyễn Trường Giang (Hà Nội), cho biết, mình “không khuyến khích, lôi kéo”.
“Đây chỉ là game, đừng coi là khoản đầu tư. Tôi không khuyến khích, lôi kéo bạn bè. Ai đang chạy cùng thì chia sẻ, ai muốn tham gia thì tự tìm hiểu và quyết định. Nếu bạn coi đây là khoản đầu tư thì tôi có lời khuyên: Lợi nhuận càng cao luôn đi kèm với rủi ro càng lớn, game không hề dễ dàng như cách bạn nhìn từ bên ngoài”, anh Giang chia sẻ.