Cách đào Eth – Ethereum Mining. Kinh nghiệm đào Ethereum từ A – Z
Ở bài viết trước chúng ta đã cùng tìm hiểu về cách đào đồng coin đứng đầu thị trường Crypto hiện nay – Bitcoin, thì trong bài viết này chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu tất-tần-tật về cách đào Ethereum – đồng coin đứng “dưới một người, trên vạn người” trong thị trường tiền mã hóa.
Yếu tố giúp thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của Ethereum chắc chắn là những ứng dụng đắt giá của nền tảng công nghệ Blockchain Ethereum vào thực tiễn đời sống. Chính điều này đã mang đến một tương lai phát triển lâu dài và bền vững cho đồng coin này. Bên cạnh đó, phiên bản ETH 2.0 sắp được ra mắt được mong đợi sẽ giúp cho Blockchain Ethereum nhanh hơn, mạnh hơn, thậm chí an toàn hơn. Tất cả những yếu tố trên chứng tỏ rằng Ethereum là một đồng coin tiềm năng xứng đáng để khai thác.
Vậy, việc còn lại là làm thế nào để khai thác Ethereum trong năm 2020? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác Ethereum? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Mục lục:
1. Đào Ethereum là gì? 2. Lựa chọn công cụ khai thác Ethereum như thế nào? 3. Phần thưởng cho thợ mỏ từ việc đào Ethereum 4. Quá trình đào Ethereum diễn ra như thế nào? 5. Các con đường giúp bạn thực hiện mục tiêu đào Ethereum 6. Ethereum ProgPoW là gì? Ảnh hưởng của nó đối với việc đào Ethereum?
1. Đào Ethereum là gì?
Cũng giống như đào Bitcoin, hiểu một cách đơn giản, đào Ethereum là việc sử dụng sức mạnh tính toán của các công cụ khai thác để giải quyết các vấn đề toán học, cung cấp cái gọi là bằng chứng công việc (Proof of Work) cho mạng, để xác minh các giao dịch Ether.
Bên cạnh đó, các thợ mỏ (miner) chịu trách nhiệm tạo ra các token Ether mới thông qua quy trình này, vì họ nhận được phần thưởng bằng Ether khi hoàn thành thành công nhiệm vụ công việc.
2. Lựa chọn công cụ khai thác Ethereum như thế nào?
Phần cứng khai thác
Trước khi bắt tay vào khai thác, chắc chắn bạn sẽ cần phần cứng máy tính đặc biệt để thực thi nhiệm vụ giải bài toán hệ thống.
Có hai loại phần cứng khai thác: CPU và GPU. GPU có tỷ lệ băm cao hơn nhiều so với CPU; do đó, các máy đào GPU có thể đoán ra câu trả lời nhanh hơn và được sử dụng rộng rãi trong đào Ethereum. 2 loại máy đào GPU tốt nhất trên thị trường hiện nay đó là: trâu xanh: 13 VGA GTX 1080 11G; và trâu đỏ: 13 VGA RX 580 8G với mức giá dao động từ 11 triệu – 20 triệu.
Xem thêm: [Crypto Mining] Các loại “trâu cày” đứng đầu thị trường 2020
Trước khi ứng dụng vào khai thác, GPU được sử dụng cho các mục đích khác như chơi game, thiết kế đồ họa, xử lý video,… Điều này là một lợi thế, khiến cho việc ứng dụng GPU vào khai thác thân thiện và dễ dàng hơn với nhiều người dùng. Các nhà phát triển Ethereum cũng luôn nhắm đến mục tiêu “làm cho việc khai thác với GPU trở nên dễ dàng nhất có thể.”
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công ty sản xuất máy đào đã phá vỡ tính “kháng ASIC” ban đầu của Ethereum và phát triển ra các dòng máy đào ASIC được thiết kế đặc biệt để khai thác một tài sản tiền điện tử duy nhất là Ethereum (giống như các máy đào ASIC dành cho Bitcoin).
Vào ngày 03/04/2018, Bitmain đã đưa ra thông báo ra mắt dòng máy Antminer E3 phát triển chuyên biệt cho thuật toán đào của Ethereum với tỉ lệ băm (hashrate) lên đến 180 Mh/s (gấp đến hơn 4 lần máy đào GPU thông thường), công suất tiêu thụ: 760W với giá từ 25 triệu – 35 triệu.
“Chúng tôi rất vui mừng thông báo ra mắt Antminer E3, máy ASIC đào Ethash mạnh mẽ và hiệu quả nhất thế giới. Giới hạn đặt hàng mỗi khách hàng một máy đào và sẽ không được cung cấp cho thị trường Trung Quốc.”
Nhìn chung, máy đào GPU được sử dụng cho nhiều mục đích hơn ngoài khai thác, dễ tiếp cận hơn, và giá thành phải chăng hơn cho nhiều người. Trong khi các dòng máy ASIC có tỉ lệ băm và hiệu suất cao hơn, giá thành do đó cũng đắt hơn gấp nhiều lần.
Phần mềm khai thác
Sau khi đã có phần cứng khai thác, bạn cần lựa chọn cho mình phần mềm khai thác phù hợp. Có rất nhiều phần mềm hỗ trợ khai thác Ether; tuy nhiên, việc lựa chọn cài đặt phần mềm khai thác nào phụ thuộc vào trình độ hiểu biết về công nghệ kỹ thuật của bạn.
Nếu bạn có trình độ kỹ thuật cao, thì có thể lựa chọn cài đặt các phần mềm như Claymore’s Dual Miner và Ethminer. Còn đối với những người không chuyên về công nghệ, có thể lựa chọn một số phần mềm có giao diện đơn giản, thân thiện với người dùng như WinEth và MinerGate.
Giao diện phần mềm đào Ethereum WinEth – Windows Ethereum Miner
Bạn chỉ cần tải các phần mềm này xuống, tiến hành giải nén, khởi chạy và cài đặt vào phần cứng thiết bị của mình để tiến hành đào coin.
Ví Ethereum
Sau khi đã chuẩn bị xong các thiết bị cần thiết phục vụ cho việc đào coin, tất nhiên bạn cũng phải suy nghĩ đến việc đào coin xong thì sẽ lưu trữ nó ở đâu phải không nào? Đây là lúc bạn tiến hành tạo cho mình 1 chiếc ví Ethereum.
Tương tự như với ví Bitcoin, bạn có thể tạo cho mình một chiếc ví online trên các trang web dịch vụ lưu trữ ví như: MyEtherWallet hay Blockchain.info hoặc các sàn giao dịch tiền điện tử như: Binance, Poloniex, Remitano,…
Sản phẩm ví Remitano, không chỉ cung cấp mỗi ví Ethereum, mà còn nhiều lựa chọn khác như: ví Bitcoin, USDT, Bitcoin Cash, Litecoin, Ripple,… đem đến cho bạn một nơi để nạp/rút tiền điện tử bất cứ lúc nào.
3. Phần thưởng cho thợ mỏ từ việc đào Ethereum
Khi bạn khai thác thành công một khối, bạn sẽ nhận được phần thưởng khối là 3 ETH. Bên cạnh phần thưởng khối này, người khai thác cũng nhận được một khoản phí liên quan đến việc xác minh các giao dịch. Những khoản phí này đóng vai trò là một loại động lực thúc đẩy những người khai thác hoàn thành công việc của mình, vì nhiều người khai thác sẽ ưu tiên xác minh các giao dịch với mức phí cao hơn. Phần thưởng sau đó sẽ được chuyển gần như ngay lập tức đến ví Ethereum của người khai thác hoặc nhóm thợ mỏ.
Thu nhập gần đúng của bạn có thể được tính dựa trên tỷ lệ băm và mức tiêu thụ điện. Ngoài ra, đừng quên yếu tố chi phí cho phần cứng bạn đã chọn và các khoản chi phí nâng cấp, bảo trì phần cứng. Để có thể tính toán thời gian mà bạn sẽ tiêu tốn cho đến lúc thu hồi được vốn và sinh lợi từ việc đào Ethereum,
Đọc thêm: Đào coin – phải mất bao lâu để bạn kiếm được lợi nhuận?
4. Quá trình đào Ethereum diễn ra như thế nào?
Đầu tiên, chúng ta phải nói đến việc xác nhận các giao dịch trong Blockchain Ethereum. Khi một người gửi Ether của họ sang cho người khác sẽ tạo thành một giao dịch và họ sẽ phải trả một khoản phí (như phí gửi hàng) cho giao dịch đó. Mạng sẽ chuyển các giao dịch này cho các thợ mỏ trong mạng lưới để thực hiện việc xác minh giao dịch có hợp lệ hay không.
Những người thợ mỏ này có quyền xem xét tất cả các giao dịch, và lựa chọn các giao dịch nào để thực hiện xác minh và đưa vào khối tiếp theo (thông thường sẽ ưu tiên các giao dịch với mức phí cao hơn, và các giao dịch với mức phí thấp sẽ nằm trong hệ thống chờ).
Chính vì vậy, người khai thác giải các bài toán phức tạp để tìm ra lời giải cho phương trình chứng minh công việc (POW: proof-of-work) của hệ thống, không chỉ nhận được phần thưởng khối, mà còn là người quyết định khối giao dịch tiếp theo và nắm giữ các khoản phí của các giao dịch đó.
Trong phương trình POW, các thợ mỏ phải đưa các dữ liệu sau đây qua hàm băm với mục đích duy nhất tìm ra số bí mật nonce (số chỉ sử dụng 1 lần) để đưa đến hàm băm chính xác mang lại cho họ phần thưởng khối:
- Thông tin từ tất cả các khối trong quá khứ
- Các giao dịch hiện tại chưa được xác nhận
- Số nonce
Việc đi tìm ra số nonce này là một quá trình sử dụng công suất, sức mạnh tính toán của máy đào để đưa ra các câu trả lời nhanh nhất và thường xuyên nhất cho đến khi trở thành người đầu tiên tìm ra câu trả lời đúng.
Khi bạn tìm thấy số nonce và hàm băm cụ thể, kết quả này sẽ được xác nhận bởi các nút và công cụ khai thác khác trong mạng lưới. Khi tất cả đều đồng ý các giao dịch trong khối, số nonce và hàm băm là hợp lệ thì bạn sẽ nhận được phần thưởng khối.
5. Các con đường giúp bạn thực hiện mục tiêu đào Ethereum
Cũng giống như việc đào Bitcoin, về mặt lý thuyết bạn có thể tự khai thác và tự mình hưởng trọn phần thưởng khối. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Là đồng tiền điện tử đứng thứ 2 trên thị trường, chắc hẳn có rất nhiều người muốn chia sẻ “miếng bánh béo bở” này; do đó, mức độ cạnh tranh trong ngành khai thác Ethereum là rất cao.
Đó là lý do tại sao các thợ mỏ lựa chọn kết hợp sức mạnh tính toán của họ vào các nhóm (pool) khai thác, để cải thiện cơ hội giải câu đố mật mã và kiếm Ether. Sau đó, họ chia lợi nhuận tỷ lệ thuận với số lượng điện mà mỗi người thợ mỏ đã đóng góp.
Một số nhóm khai thác Ethereum phổ biến hiện nay như:
- EtherMine: phí 1%
- F2Pool: phí 3%
- SparkPool: phí 1%
- Nanopool: phí 1%
6. Ethereum ProgPoW là gì? Ảnh hưởng của nó đối với việc đào Ethereum?
ProgPoW (Programmatic Proof-of-Work: Lập trình bằng chứng công việc) là sự cải thiện thuật toán PoW để khôi phục lại khả năng chống các máy đào khai thác chuyên dụng ASIC. Trong những năm gần đây, với sự ra đời của các máy đào ASIC, lĩnh vực khai thác Ethereum dần bị thống trị bởi các thợ mỏ sử dụng máy đào chuyên nghiệp, trang bị khai thác đắt đỏ và tinh vi. Điều này đặt ra mối đe dọa cho tính phân cấp và bảo mật của mạng, theo như lời các nhà phát triển Ethereum. Thuật toán ProgPoW nhằm mục đích tránh việc khai thác Ethereum bị tập trung vào tay một số pool đào ASIC mạnh mẽ trước khi chuyển hoàn toàn sang POS (Proof-of-stake: bằng chứng cổ phần).
ProgPoW hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn ban đầu của các nhà phát triển Ethereum: “Ethereum ban đầu có một mục tiêu là chủ nghĩa bình đẳng trong khai thác; bất cứ ai cũng có thể tham gia, sử dụng phần cứng mà họ có thể đã có.” – theo Johnson, nhà phát triển Ethereum core và Ethereum Name Service (ENS).
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Giá điện khu vực và quy mô kinh tế đã đặt ra một vấn đề khác, nhưng từ bỏ việc chống lại ASIC sẽ giết chết nó mãi mãi. Chúng ta có muốn điều đó không?”
Việc chuyển đổi thuật toán ProgPoW, đã tạo ra các tranh cãi gay gắt trong hệ thống, bởi vì ProgPOW sẽ làm cho các thiết bị ASIC ETH đang được thợ đào sử dụng trở nên hoàn toàn vô dụng. Tuy vậy, dựa trên 2 cuộc khảo sát bỏ phiếu coin và bỏ phiếu khai thác được tiến hành bởi Ethereum Cat Herder – một nhóm người đóng góp độc lập cho cộng đồng Ethereum trên GitHub – đã tìm thấy sự ủng hộ áp đảo cho việc triển khai ProgPoW.
Một cuộc khảo sát mục tiêu và kỳ vọng liên quan đến thuật toán ProgPoW
Việc chuyển đổi sang thuật toán ProgPoW giúp cho các card đồ họa trở nên cạnh tranh hơn bằng cách sử dụng nhiều RAM hơn và các tính năng độc đáo dành riêng cho GPU. Chính vì vậy sẽ giúp việc khai thác Ethereum dễ tiếp cận và khả thi hơn với phần cứng thông thường và những người dùng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ không đầu tư vào phần cứng chuyên dụng.
Ethereum luôn chứng tỏ là một đồng tiền điện tử có tính ứng dụng cao và các nhà phát triển Ethereum cũng không ngừng cải thiện nó thông qua các bản hard fork để tăng cường tính bảo mật, và khiến cho mạng lưới trở nên tốt hơn. Những điều này hứa hẹn sự phát triển bền vững của Ethereum. Hơn thế nữa, trong tương lai việc khai thác Ethereum được mong đợi sẽ trở nên phổ biến và dễ dàng hơn đối với hầu hết tất cả mọi người. Do đó, đây là đồng coin tiềm năng không chỉ trong lĩnh vực khai thác mà còn trong việc đầu tư.
6 kinh nghiệm đào Ethereum cho các “thợ đào”
- Có hai cách tiếp cận giúp giảm chi phí năng lượng khi khai thác Ethereum (hoặc bất kỳ coin/token nào) là giảm tổng lượng tiêu thụ điện năng của hệ thống và tối đa hóa số lượng tiền điện tử được khai thác so với mức độ tiêu thụ điện.
- Không nên ép xung quá cao, dù tốc độ tăng thêm nhưng sẽ hao điện và không chạy lâu bền được.
- Khi bị lỗi bất thường hãy xem nhiệt độ, nếu nhiệt độ GPU bình thường thì nên bật GPU-Z xem nhiệt độ mạch điện VRM.
- Sử dụng phần mềm MSI Afterburner có thể giúp kéo core xuống tầm 1 MHz vì chạy ETH thì không dùng đến core của VGA, Memclock tăng lên khoảng 700.
- Nên chuyển đến cài đặt nguồn và đảm bảo máy tính của bạn không bao giờ ở chế độ ngủ
- Để tham gia vào khai thác ETH đồi hỏi bạn phải có kiến thức cơ bản về công nghệ. Trên đây là những hướng dẫn cơ bản giúp bạn có thể thực hiện quá trình đào ETH một cách tối ưu nhất.
Xem thêm: Máy đào coin và cách dựng ‘máy đào’ Bitcoin và Ethereum năm 2022
Một số câu hỏi về việc đào Ethereum
Có các loại phí nào khi đào Ethereum?
- Phí lưu trữ: Tùy thuộc vào hình thức lưu trữ nào, ví dụ bạn lưu trữ bằng ví phần mềm bạn sẽ cần trả phí cho nhà cung cấp ví. Còn nếu bạn lưu trữ bằng ví cứng thì bạn sẽ mất tiền để mua ví cứng.
- Phí bảo trì thiết bị: Sẽ không có thiết bị nào có thể vận hành mãi mà không hư hỏng. Nhất là với các thiết bị điện tử, bạn sẽ cần tốn một khoản phí cho việc bảo trì và bảo dưỡng thiết bị.
Các rủi ro gặp phải khi đào Ethereum là gì?
- Rủi ro giá giảm: Mức lợi nhuận trên được tính khi giá ETH đang là 1900$. Nếu giá ETH giảm lợi nhuận của thợ đào cũng giảm đáng kể.
- Rủi ro mất cắp/thất lạc: Lưu trữ ETH trong ví cứng bạn sẽ dễ gặp phải rủi ro mất cắp hoặc thất lạc.
- Rủi ro hacker: Nếu bạn lưu trữ ETH bằng ví phần mềm thì bạn sẽ có rủi ro gặp phải hacker.
Giao dịch ETH hay đào ETH có được lợi nhuận cao hơn?
Lợi nhuận từ đào ETH là có nhưng có lẽ chưa đủ để thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Và đó cũng là lý do vì sao mà nhiều nhà đầu tư trẻ hiện đã quay hướng sang con đường giao dịch.
Giao dịch ETH hay tiền điện tử mang đến sự linh hoạt, yêu cầu vốn thấp mà lợi nhuận thu về lại khá cao.
Xem thêm: Top 10 đồng tiền điện tử tiềm năng đáng đầu tư nhất năm 2022
Kết luận
Trong tương lai việc khai thác Ethereum được mong đợi sẽ trở nên phổ biến và dễ dàng hơn đối với hầu hết tất cả mọi người. Do đó, đây là đồng coin tiềm năng không chỉ trong lĩnh vực khai thác mà còn trong việc đầu tư.
Còn bạn, bạn nghĩ sao? Bạn có đang khai thác, hay đầu tư mua bán đồng tiền này? Hãy chia sẻ suy nghĩ và nhận định của bạn với cộng đồng yêu Crypto tại Remitano nhé!