Những điều chưa biết về quái vật Kraken bí ẩn
Bạch tuộc khổng lồ (tiếng Na Uy là Kraken) là tên gọi của loài quái vật biển trong truyền thuyết với hình dạng con bạch tuộc, được cho rằng tồn tại ở một nơi nào đó ngoài khơi vùng biển Na Uy và Iceland.
Kích thước khổng lồ và sự xuất hiện đáng sợ khiến chúng trở thành một trong những quái vật nổi tiếng bậc nhất trong các tác phẩm điện ảnh hoặc truyện tranh.
Kraken thực sự lớn tới đâu?
Truyền thuyết về bạch tuộc khổng lồ, kẻ thù không trời chung với cá nhà táng, có thể khởi đầu từ việc một số ngư dân nhìn thấy mực khổng lồ, loài sinh vật có thể phát triển tới chiều dài 13m – 15m dài, bao gồm cả xúc tu ở miệng. Một số trường hợp ghi nhận có con dài tới 24m.
Kraken được miêu tả lần đầu tiên trong một bản viết tay cách nay khoảng 1000 năm. Theo thần thoại Scandinavia, Kraken to đến nỗi thân nó trông như vài hòn đảo nhỏ.
Những sinh vật này thường trú ẩn ở rất sâu dưới đáy đại dương, nhưng đã từng được quan sát thấy trên mặt nước, và thậm chí có báo cáo cho rằng chúng tấn công tàu bè qua lại.
Kraken cũng được nhắc đến trong Örvar-Oddr, một câu chuyện của Iceland có từ thế kỷ XIII liên quan đến hai quái vật biển có tên Hafgufa và Lyngbakr.
Tác giả người Thụy Điển Jacob Wallenberg đã mô tả Kraken trong tác phẩm của mình rằng con quái vật này có thể bay lên khỏi mặt nước. Khi đạt độ 10 – 12 tuổi, Kraken có kích thước như một hòn đảo nổi, có thể phun nước từ những lỗ mũi đáng sợ của mình và làm tạo ra sóng lớn trong một khu vực rộng hàng km.
Vào khoảng thời gian đó (khoảng năm 1250), một báo cáo khác về Kraken đã được ghi nhận trong một công trình khoa học của Na Uy.
Công trình này mô tả thói quen ăn uống của Kraken chủ yếu bằng cách bẫy cá xung quanh nhờ nhả thức ăn ra khỏi miệng. Các luồng quan điểm khác lại cho rằng con vật phát ra một mùi hương mạnh mẽ và hấp dẫn khi nó muốn kiếm ăn.
Chính bởi thói quen bẫy cá đột ngột và số lượng lớn, nên đây là dấu hiệu cảnh báo cho các thủy thủ di chuyển tàu bè ra khỏi khu vực được cho là nơi Kraken sinh sống, vì họ rất có thể trở thành nạn nhân của con quái vật này.
Kraken cũng được đề cập trong ấn bản đầu tiên của Systema Naturae (1735), một phân loại sinh vật học của nhà thực vật học, bác sĩ và nhà động vật học người Thụy Điển Carolus Linnaeus.
Ông đã phân loại Kraken là một động vật chân đầu, có tên khoa học là Microcosmus marinus. Linnaeus mô tả Kraken trong tác phẩm sau này của mình, Fauna Suecica (1746) như một quái vật độc nhất được cho là sống ở vùng biển Na Uy. Nhưng chính bản thân Linnaeus lại khẳng định chưa nhìn thấy con quái vật này bao giờ.
Sau đó, nhờ những thông tin từ các ngư dân, nhà sử học người Đan Mạch Erik Pontoppidan tiếp tục mô tả sự xuất hiện của Kraken trong tác phẩm Lịch sử tự nhiên của Na Uy (1755.) Ông viết rằng con thú “tròn, phẳng và đầy cánh tay khác nhau” và đáng ngạc nhiên nhất trong tất cả các sáng tạo của tự nhiên về động vật.
Hầu hết các học giả nghiên cứu tin rằng quái vật Kraken dựa trên một hoặc sự hợp nhất của các loài mực hoặc bạch tuộc. Phổ biến nhất là ý kiến cho rằng quái vật trong truyền thuyết thực ra chính là một con mực khổng lồ.
Những manh mối chứng minh Kraken là có thực
Cuối những năm 1800, các nhà khoa học lần đầu tiên có đủ bằng chứng đáng tin cậy về sự tồn tại của loài động vật biển khổng lồ này.
Theo đó, vào năm 1877, người ta bắt gặp một xác chết loài bạch tuộc này trôi dạt vào ven bờ Đại Tây Dương. Con bạch tuộc này dài 18m, mắt có đường kính là 30cm, giác ở tua miệng to hơn cả một chiếc mũ, cả cơ thể nặng tới 1 tấn, nặng nhất trong các loài vật không xương sống đã biết
Sau đó, Mark McMenamin, một nhà cổ sinh vật học đến từ ĐH Mount Holyoke bang Massachusetts (Mỹ), cho biết ông đã phát hiện ra một số dấu hiệu có thể chứng minh sự tồn tại của loài Kraken.
Trong quá trình nghiên cứu hóa thạch loài thằn lằn cá khổng lồ, McMenamin tìm thấy bằng chứng về một con Kraken dài tới 30m. Ông tiếp tục nghiên cứu và trình bày kết quả tại cuộc họp hàng năm của Hiệp hội địa chất Hoa Kỳ ở Minneapolis.
Cũng trong khoảng 10 năm trở lại đây, người ta đã thu được trên 300 xác chết to dị thường của loài mực khổng lồ khi chúng tình cờ mắc kẹt vào lưới hoặc trôi dạt vào bờ biển.
Đa phần xác mực khổng lồ có trọng lượng khoảng 1 tấn và chiều dài khoảng 15m. Có con trọng lượng lên đến hàng chục tấn và đạt tới độ dài hơn 20m.
Kỷ lục trên thuộc về xác con mực nặng gần 25 tấn vừa tìm được cách đây chưa lâu tại khu vực Tasmania (Úc).
Gần đây, một nhóm nhà khoa học đến từ 8 nước khác nhau trên thế giới đã cố gắng làm rõ về loại sinh vật biển kỳ bí này bằng cách phân tích gene.
Họ thu gom các mẫu mô từ 43 con mực khổng lồ bắt được ở các vùng biển từ Floria, Mỹ tới Nam Phi và New Zealand và sắp xếp các mẫu mô thành từng bộ với hệ ty lạp thể có chứa chất hóa học ATP và các enzyme liên quan đến các hoạt động chuyển hóa tế bào.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhanh chóng khám phá ra rằng sự đa dạng gene của mực khổng lồ là cực kỳ thấp. Thậm chí, các con mực khổng lồ được bắt tại mọi nơi xa xôi của thế giới cũng chỉ khác nhau chưa đầy 1 trong 100 mã ADN.
Điều này cho thấy gene giống loài của mực khổng lồ hạn hẹp nhất trong tất cả các loài sinh vật biển mà các nhà khoa học điều tra. Từ đó dẫn tới kết luận rằng có tồn tại một loài mực khổng lồ xuyên suốt lịch sử.
Mặc dù vậy, khoa học vẫn chưa thể khẳng định Kraken chỉ là huyền thoại hay sinh vật có thực. Từ những bằng chứng sẵn có, vẫn còn cần thêm nhiều lời giải thích thấu đáo để làm rõ sự bí ẩn của một trong những sinh vật nổi tiếng thống trị các vùng biển.