Layer 3 là gì? Giải pháp cho bộ ba bất khả thi của blockchain?
Layer 3 là một ý tưởng mới xuất hiện gần đây, được cho là có khả năng mở rộng cao hơn các layer 2 và thường được dùng cho một lĩnh vực cụ thể. Vậy layer 3 là gì? Hãy cùng Coin68 làm rõ hơn trong bài viết dưới đây.
Layer 3 là gì? Giải pháp cho bộ ba bất khả thi của blockchain?
Layer 3 là gì?
Layer 3, hay còn gọi là application layer, là một layer được xây dựng trên nền tảng của các blockchain layer 2 và thường tập trung vào một hoạt động nhất định như gaming, DeFi, NFT,… giúp cho hệ thống blockchain có khả năng đáp ứng tốt hơn với nhu cầu trong tương lai.
Layer 3 hoạt động dựa trên sự trừu tượng hóa các yếu tố khác nhau như công nghệ, chức năng và tính năng phục vụ người dùng trong các hệ sinh thái tách rời. Các giao thức layer 3 giúp các mạng và hệ sinh thái này giao tiếp, kết nối và tương tác với nhau.
Về cơ bản, layer 3 chính là một layer 2 trên một layer 2 khác và sử dụng rollup làm lớp cơ sở. Dữ liệu của layer 3 sẽ được nén lại khi gửi về layer 2. Tuy nhiên, khi tiếp tục gửi lên layer 1, nó sẽ không được nén lại thêm lần nào nữa. Do đó, sẽ không có khác biệt quá nhiều về mặt chi phí giữa layer 2 và layer 3.
Cấu trúc các lớp của một blockchain
Layer 1
Layer 1 trong blockchain là nơi các khối được thêm vào và hoàn thành các giao dịch. Layer 1 có thể thay đổi các yếu tố cơ bản của nền tảng, như tăng kích thước khối, cải thiện thuật toán đồng thuận, hoặc tăng tốc độ xác nhận giao dịch. Những điều này nhằm mục đích nâng cao khả năng xử lý và tốc độ của mạng lưới.
Tuy nhiên, layer 1 phải đối mặt với bộ ba bất khả thi đó là phải lựa chọn giữa khả năng mở rộng, tính phân quyền hoặc bảo mật. Ví dụ, các blockchain như Bitcoin và Ethereum chú trọng hơn vào tính phân quyền và bảo mật thay vì khả năng mở rộng, dẫn đến tốc độ giao dịch chậm khi có nhiều người dùng tham gia vào mạng lưới.
Layer 2
Để giải quyết các vấn đề của layer 1, các layer 2 đã ra đời. Layer 2 là các giải pháp mở rộng theo chiều dọc off chain được chạy trên các blockchain layer 1 như Ethereum để cho phép mở rộng, cung cấp cho người dùng giao dịch nhanh hơn và phí gas thấp hơn. Chúng có thể ở dạng rollup hoặc validium.
Nhiều giải pháp layer 2, chẳng hạn như Polygon, zkSync và Arbitrum, đã phát hành các giải pháp cho phép nhà phát triển tạo các blockchain dành riêng cho ứng dụng được xây dựng trên layer 2, từ đó ra đời khái niệm layer 3.
Layer 3
Các layer 3 là những giao thức tiên tiến được xây dựng trên các layer 2 hiện có, cung cấp khả năng tương tác và các chức năng dành riêng cho ứng dụng. Điều này có nghĩa là layer 3 có thể tùy chỉnh cao và đáp ứng được các nhu cầu cụ thể của nhà phát triển, chẳng hạn quyền riêng tư hoặc hỗ trợ khối lượng giao dịch lớn,… trong khi vẫn thừa hưởng tính bảo mật của blockchain layer 1.
Hiện tại, hầu hết các layer 3 đều được xây dựng trên Ethereum, và có một số blockchain, chẳng hạn như Bitcoin, không phù hợp để lưu trữ các ứng dụng Layer 3 tại thời điểm viết bài.
Sự khác biệt giữa layer 1, layer 2 và layer 3
Dưới đây là sự khác biệt giữa blockchain layer 1, layer 2 và layer 3:
Những ưu điểm của layer 3
Khả năng tùy chỉnh mở rộng cao
Các layer 3 có khả năng mở rộng cao, đồng thời có thể được tùy chỉnh cho mục đích cụ thể. Do đó có thể xử lý một khối lượng giao dịch lớn và hỗ trợ nhiều ứng dụng đặc thù cùng một lúc.
Có thể hỗ trợ những DApp phức tạp
Layer 3 cung cấp nền tảng để xây dựng các DApp phức tạp hơn, yêu cầu nhiều tính năng nâng cao. Điều này có thể cải thiện thiết kế web của DApp, tích hợp thêm nhiều chức năng, giúp người dùng thông thường dễ dàng tiếp cận hơn.
Ngoài ra, layer 3 còn hỗ trợ thiết kế những hợp đồng thông minh phức tạp, thứ mà layer 1 và layer 2 khó đáp ứng do hạn chế về khả năng mở rộng.
Khả năng tương tác với nhiều blockchain
Layer 3 đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện khả năng tương tác giữa các blockchain. Nó giúp các DApp giao tiếp và trao đổi dữ liệu dễ dàng hơn, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Điều này đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của hệ sinh thái blockchain.
Giảm tải cho blockchain chính
Giống như các giải pháp layer 2, các layer 3 giúp khắc phục vấn đề tắc nghẽn blockchain chính bằng cách xử lý một số giao dịch và hoạt động off chain. Điều này làm giảm tắc nghẽn mạng và phí giao dịch, cải thiện trải nghiệm người dùng.
Ứng dụng của layer 3
Gaming
Một trong những ứng dụng nổi bật của layer 3 đó chính là trong lĩnh vực trò chơi blockchain. Các trò chơi trên blockchain thường xử lý nhiều giao dịch nhỏ, điều này có thể gây ra tốn kém về mặt chi phí, ngoài ra còn gây ra trải nghiệm không mượt mà nếu blockchain có tốc độ giao dịch thấp.
Do đó, bằng cách hoạt động trên layer 3, các ứng dụng trò chơi có thể hoạt động trên một blockchain chuyên dụng, cho phép các giao dịch xử lý khối lượng giao dịch lớn hơn nhiều với tốc độ nhanh hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ứng dụng trò chơi để giúp nhà phát triển duy trì trải nghiệm trong trò chơi liền mạch cho người dùng.
DeFi
Một trong những ứng dụng tiềm năng khác của layer 3 là DeFi. Việc xây dựng trên layer 3 giúp cho các nhà phát triển có thể tùy chỉnh các cài đặt về quyền riêng tư và các tính năng khác cho ứng dụng DeFi của mình để phù hợp với các nhu cầu cụ thể.
Ngoài ra, layer 3 có khả năng mở rộng cao, đảm bảo rằng khối lượng giao dịch lớn có thể được xử lý một cách nhanh chóng, điều này rất quan trọng trong các giao dịch thời gian thực. Layer 3 cũng cho phép tương tác giữa các mạng lưới blockchain khác nhau, giúp người dùng chuyển đổi tài sản của họ giữa các mạng lưới khác nhau.
Tổng kết
Trên đây là bài viết giải thích về layer 3 cũng như những ưu điểm và ứng dụng của nó trong thực tế. Thông qua bài viết trên, Coin68 mong bạn đọc sẽ hiểu hơn về khái niệm mới này và có thể sử dụng nó để phục vụ cho việc nghiên cứu và đầu tư. Chúc bạn thành công!