Giải thể (Liquidation) là gì? Các trường hợp giải thể doanh nghiệp
Giải thể (Liquidation)
Định nghĩa
Giải thể hay thanh lí trong tiếng Anh là Liquidation.
Giải thể hay thanh lí là quá trình dẫn tới việc chấm dứt sự tồn tại của công ty với tư cách một pháp nhân.
Cũng có thể hiểu, giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp theo ý chí của doanh nghiệp hoặc của cơ quan có thẩm quyền.
Đặc trưng
– Quá trình giải thể có thể do chủ nợ yêu cầu khi công ty vỡ nợ hay mất khả năng thanh toán (giải thể bắt buộc) hoặc do hội đồng quản trị hay cổ đông của công ty yêu cầu (giải thể tự nguyện).
– Thanh lí viên có thể do hội đồng quản trị, cổ đông hoặc chủ nợ chỉ định, sẽ bán tài sản công ty với giá càng cao càng tốt.
– Số tiền bán tài sản được dùng để hoàn trả cho các chủ nợ. Nếu không có đủ tiền để trả cho tất cả các chủ nợ, các chủ nợ ưu đãi sẽ được trả trước, ví dụ nộp thuế nợ đọng, sau đó đến các chủ nợ được xếp hạng theo một tiêu chuẩn nào đó.
– Nếu sau khi thanh toán cho các chủ nợ mà vẫn còn thừa, số tiền còn lại sẽ được chia cho cổ đông của công ty (trước hết là cổ đông ưu đãi, sau đó đến cổ đông thông thường) theo một tỉ lệ nào đó.
Các trường hợp giải thể
(1) Các trường hợp giải thể tự nguyện
Các trường hợp công ty có quyền quyết định giải thể:
– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
– Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
(2) Các trường hợp công ty bắt buộc phải giải thể
– Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình công ty;
– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.
Điều kiện giải thể công ty
– Công ty chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác
– Công ty không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.
(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học kinh tế Quốc dân, Luật doanh nghiệp 2014)