‘Yesterday’ – giai điệu từ giấc mơ
Khi đạo diễn Danny Boyle tìm tên cho một bộ phim liên quan tới âm nhạc The Beatles, Yesterday là cái tên được chọn. Kể từ lần đầu được phát hành trong album Help tháng 8/1965, Yesterday đã trải qua hơn năm thập kỷ và trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong lịch sử.
* Paul McCartney hát “Yesterday” (1965, nguồn youtube)
Giai điệu từ một giấc mơ
Trong cuốn A Hard Day’s Write: The Stories Behind Every Beatles Song, tác giả Steve Turner cho biết toàn bộ giai điệu Yesterday được sáng tác từ một giấc mơ của Paul McCartney. Khi đó, McCartney đang sống cùng bạn gái Jane Asher tại nhà của cô ở phố Wimpole. Một lần thức giấc, McCartney nhanh chóng tới bên đàn piano và chơi lại toàn bộ giai điệu bất chợt đến khi ông ngủ.
* The Beatles – nửa thế kỷ, một huyền thoại
Tờ The Telegraph dẫn lời McCarney kể lại giấc mơ này năm 1980: “Tôi tỉnh dậy với một giai điệu đáng yêu trong đầu và tự nhủ: ‘Nghe hay đấy, không biết đây là cái gì nhỉ?’. Thật may là có một chiếc piano đặt ngay cạnh cửa sổ ở bên phải chiếc giường tôi đang nằm. Các nốt nhạc cứ thế đến một cách tự nhiên. Tôi rất thích giai điệu này nhưng nó đến trong mơ nên tôi không dám tin mình đã viết ra nó. Điều quan trọng là tôi đã có một giai điệu. Thật kỳ diệu”.
Điều McCartney lo sợ nhất là có thể ông vô tình ăn cắp giai điệu này từ một ai đó trong vô thức. Ông hồi tưởng: “Trong suốt một tháng liền, tôi đi khắp nơi gặp những người làm trong làng nhạc và hỏi xem liệu họ có từng nghe giai điệu này trước đó chưa. Dần dần mọi thứ giống như đi giao nộp một thứ gì đó cho cảnh sát. Tôi nghĩ rằng nếu không ai nhận nó sau vài tuần, nó sẽ là của mình”.
McCartney ưa thích giai điệu này tới mức ông chơi nó mọi nơi, mọi lúc. Khi The Beatles quay bộ phim ca nhạc Help! vào tháng 2/1965, McCartney chơi giai điệu này trên piano nhiều tới mức đạo diễn Richard Lester phát bực và dọa bỏ piano khỏi phim trường nếu McCartney không chịu hoàn thành lời bài hát. Trong cuốn Yesterday & Today, thành viên quá cố George Harrison của The Beatles chia sẻ: “Anh ấy lúc nào cũng nhắc về bài hát đó tới mức bạn có thể tưởng anh ta là Beethoven hay ai đó vĩ đại như vậy!”.
Trước khi hoàn thiện Yesterday bất hủ với nội dung nói về sự chia ly và nuối tiếc về quá khứ, ca khúc này từng có cái tên khiến nhiều người nghe phải bật cười: Scramble Eggs (Trứng đánh). Lời hát khổ một ban đầu như sau: “”Scrambled eggs, oh, my baby, how I love your legs” (Trứng đánh, Ôi em yêu ơi, anh yêu đôi chân em biết nhường nào). Theo McCarney chia sẻ trong tự truyện Paul McCartney: Many Years from Now, đó là cách để ông giữ ca khúc: “Mọi người khẳng định giai điệu này rất hay và chắc chắn là do tôi nghĩ ra. Sau một thời gian, tôi quyết định khẳng định chủ quyền bằng cách cắm một tấm biển nhằm khẳng định ‘Ca khúc này là của tôi’. Giai điệu này vẫn chưa có lời và tôi quyết định gọi nó là Scramble Eggs để giữ lấy nhạc và vần điệu”.
Theo John Lennon, ca khúc Scramble Eggs trở thành một trò đùa giữa các thành viên ban nhạc trong suốt nhiều tháng liền: “Cứ lần nào chúng tôi gặp nhau để viết nhạc hay thu âm là chủ đề này lại xuất hiện. Tất cả đều thống nhất chọn một từ để làm tên bài hát, nhưng không ai có thể tìm được từ thích hợp. Thế là Scramble Eggs trở thành đề tài gây cười”. Trong cuộc phỏng vấn với Brian Matthew năm 1967, McCartney cho biết chính Lennon là người đã nghĩ ra từ Yesterday để thay thế cho Scramble Eggs.
Dù có giai điệu từ năm 1964, nhưng mãi tới khi rong ruổi tới Bồ Đào Nha tháng 5/1965, McCartney mới có bước đột phá về phần lời: “Tôi cứ lẩm nhẩm giai điệu Yesterday và bỗng nhiên nảy sinh một ý tưởng với những từ mở đầu từng đoạn. Từ từ Yes-ter-day, có rất nhiều từ khác vần theo như say, nay, today, away, play, stay… và thế là mọi thứ cứ dần được ráp lại trong suốt hành trình”.
Bản tình ca bất hủ
Theo tờ The Telegraph, Yesterday là ca khúc đầu tiên một thành viên The Beatles ghi âm mà không có ba thành viên còn lại. Paul McCartney tự mình biểu diễn ca khúc này với chiếc đàn guitar. Ngoài ra, ông còn thuyết phục nhà sản xuất George Martin bổ sung thêm dàn tứ tấu đàn dây vào bản thu. Đây là một trong những ca khúc nhạc pop đầu tiên có tứ tấu đàn dây, mang tới âm hưởng hoài niệm cho một giai điệu vốn u sầu. Nghệ sĩ cello Francisco Gabarro hồi tưởng: “McCartney tìm tới tôi trong căn tin và khẳng định: ‘Bài Yesterday này chắc chắn thành công!'”.
Ngày 14/6/1965, Yesterday chính thức được thu âm tại studio Abbey Road, trước khi được phát hành dưới trong album Help tháng 8/1965 và dưới dạng đĩa đơn tại Mỹ vào ngày 13/9/1965. Dù do McCartney sáng tác, Yesterday vẫn được người quản lý Brian Epstein giữ nguyên tên tác giả là “Lennon/McCartney” khi đăng ký như bao bài hát khác. Theo nhà sản xuất Martin, Epstein đã phản đối gay gắt ý tưởng để McCartney đứng đơn độc ở phần tên tác giả: “Chúng ta kiểu nào cũng không được chia rẽ The Beatles”. Paul McCartney từng xin phép bà Yoko Ono – vợ của John Lennon – đổi thứ tự tác giả thành “McCartney-Lennon” vào năm 2000 nhưng bị từ chối.
Sau khi ra mắt tại Mỹ, Yesterday nhanh chóng bán được một triệu bản trong vòng năm tuần, leo lên ngôi đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 vào ngày 9/10 và trụ tại đây bốn tuần liên tiếp. Đây là ca khúc thứ năm trong tổng số sáu ca khúc liên tiếp của The Beatles vươn lên vị trí số một của Billboard – một kỷ lục thời bấy giờ. Huyền thoại nhạc Rock&Roll Chuck Berry thậm chí còn ngưỡng mộ và ước rằng Yesterday là ca khúc do ông viết ra.
Tại giải Grammy năm 1966, Yesterday được đề cử tổng cộng sáu hạng mục. Tuy nhiên, ca khúc này bị The Shadow Of Your Smile của Tony Bennett đánh bại trong cuộc đua tại hạng mục “Bài hát của năm”. Kết quả này khiến ông chủ hãng đĩa Capitol Records Alan Livingston bức xúc tuyên bố: “Đây là một trò đùa biến cả sự kiện thành lố bịch”. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng sức sống của Yesterday vượt xa The Shadow of Your Smile.
Theo sách kỷ lục Guinness, có tới hơn 2.200 bản thu Yesterday đã được phát hành. Năm 1999, đài BBC Radio 2 đã chọn Yesterday là ca khúc hay nhất thế kỷ 20 căn cứ theo bình chọn từ các chuyên gia âm nhạc và thính giả. Một năm sau, cả kênh MTV lẫn tạp chí Rolling Stone đều tôn vinh Yesterday là “Ca khúc pop hay nhất mọi thời đại”. Trang tin BBC cho biết Yesterday là một trong những ca khúc mang lại liền tác quyền lớn nhất trong lịch sử với 19,5 triệu bảng Anh.
Nhưng không phải ai cũng biết rằng ca khúc da diết nói về một tình yêu đã tan vỡ này còn là cách để Paul McCartney… đáp trả người yêu cũ. Tờ The Telegraph cho biết McCartney từng có cô bạn gái Iris Caldwell và chia tay vào năm 1963. Khi McCartney cố liên hệ với Caldwell qua mẹ, cô từ chối với lý do: “Anh là kẻ không có cảm xúc”.
Trước ngày biểu diễn Yesterday trên truyền hình tháng 8/1965, Paul McCartney đã gọi cho mẹ của Caldwell và nhờ chuyển lời: “Em còn nhớ đã bảo anh là người không có cảm xúc không? Hãy xem tivi vào chủ nhật này!”.
* Phim “Yesterday” đạo diễn Danny Boyle
Thịnh Joey