Nhân Văn – Tin Cậy – Kịp Thời – Hấp dẫn
Theo cơ quan chức năng, mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” có nghĩa là lấy tiền của người sau, trả cho người trước. Hình thức lừa đảo này đã nhiều lần được các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo, song, vẫn không ít người rơi vào bẫy và mất trắng.
Dưới hình thức kêu gọi, hợp tác đầu tư, Công ty Nhật Nam đã huy động vốn bằng cam kết trả lợi nhuận trung bình hơn 40%, thậm chí tới 70% hay 80% một năm. Không những thế, với số tiền đầu tư nhất định, nhà đầu tư còn được nhận thêm cổ phần của công ty và các loại quà tặng… Lãi suất khủng, không rủi ro, tiền về ngay… đó là một trong những chiêu trò dụ dỗ của mô hình lừa đảo ponzi…
Thời gian qua, các vụ lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép, kêu gọi đầu tư tiền ảo, ngoại hối chứng khoán quốc tế hay đầu tư bất động sản, xảy ra ngày càng nhiều.
Điểm chung là các đối tượng thường sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp, dụ dỗ các nhà đầu tư, nhà môi giới cứ mời thêm được người mới sẽ hưởng thêm hoa hồng. Theo các chuyên gia, đây là biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp cần được nhận diện để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Để tạo niềm tin cho người đầu tư, thông thường, các đối tượng sẽ ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh hay ủy thác đầu tư. Tuy nhiên, thực chất, khi sự việc vỡ lở, các bản hợp đồng này gần như không thể bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Vì vậy, theo các luật sư, để tránh lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang”, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi ký kết các loại hợp đồng này.
Khi một lượng lớn các nhà đầu tư đột nhiên rút vốn hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới, mô hình Ponzi sẽ sụp đổ. Do đó, nhà đầu tư phải luôn thận trọng, kiểm chứng thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý liên quan để tránh sập bẫy hành vi núp bóng huy động vốn để lừa đảo.