Thời trang thương mại điện tử – Thị trường Việt Nam đang theo đến đâu?
Ngày đăng: 15/03/18
Ở thời đại này, tốc độ hiển thị của thời trang trên thị trường diễn ra vô cùng nhanh chóng. Cảm giác sẽ rất dễ bỏ lỡ một cái gì đó. Chiếc áo khoác tuyệt đẹp từ một thương hiệu mới nổi, ví như mảnh ghép hoàn hảo mà bạn đã chờ đợi bấy lâu, vừa được ra mắt lập tức dậy sóng bởi các Fashionista trên Instagram. Chiếc túi xách hàng hiệu mà bạn yêu thích thông báo chương trình khuyến mãi kéo dài 3 ngày, nhưng chỉ trong ngày đầu tiên đã hết hàng. Những món đồ thời trang đáng khao khát đến như vậy có thể được live-stream trên Facebook cùng lúc runway show đang diễn ra và đăng tải trên các trang web ngay sau đó, chỉ tích tắc để cho vào giỏ hàng điện tử, thanh toán trực tuyến trong một nốt nhạc và không lâu sau được giao đến tận cửa nhà bạn. Đây chính là thời đại của Fashion E-commerce.
Họ lắng nghe và gật đầu, sau đó họ nói ‘Chỉ cần cho tôi biết một điều nữa thôi: cửa hàng của bạn ở đâu?’
Với cường độ công nghệ kỹ thuật số di chuyển vùn vụt như thế, thị trường thời trang thương mại điện tử của Việt Nam đã bắt nhịp như thế nào?
Nhìn ra thế giới
Vài năm gần đây, thương mại điện tử đã lấn sâu trong lĩnh vực thời trang, tạo cơ hội cho các tín đồ shopping trải nghiệm một thú vui mua sắm mới mẻ, nhiều tiện ích và nhanh tay lẹ mắt với một góc nhìn bao quát hơn. Đừng ngạc nhiên khi các thương hiệu hàng đầu thế giới vẫn có thể tự đầu tư cho mình một nền tảng trực tuyến, nhưng các trang web như Farfetch hay Yoox Net-a-Porter vẫn thu hút lượt truy cập đông đảo và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Nhìn lại những ngày đầu của Net-a-Porter, kể từ khi ra mắt vào tháng 6/2000 tại London đã trở thành tâm điểm của thị trường thời trang trực tuyến. Ở những tháng ngày đầu tiên của thế kỷ XXI, cứ như mọi ý tưởng đều mang tính tiên phong và đổi mới, tất nhiên thoạt đầu sẽ bị nhóm bảo thủ lạnh lùng bác bỏ. Nhà sáng lập Natalie Massenet vốn là một phóng viên thời trang, đã phát triển khái niệm về một tạp chí ở định dạng website, nơi người dùng có thể “nhấp chuột” để mua hàng trong khi cố gắng tìm kiếm trên mạng từ một bức ảnh thời trang của tạp chí. Năm 2013, trong cuộc phỏng vấn của The Observer – tờ tuần báo Chủ Nhật lâu đời nhất thế giới (xuất bản lần đầu tiên vào năm 1791), bà Natalie Massenet nhớ lại một khoảng đứt gãy tư duy đối với mua sắm trực tuyến ở thời điểm Net-a-Porter mới ra đời rằng: “Họ lắng nghe và gật đầu, sau đó họ nói ‘Chỉ cần cho tôi biết một điều nữa thôi: cửa hàng của bạn ở đâu?’”.
Ngày nay, Net-a-Porter kết nối với hơn 6 triệu khán giả tại hơn 170 quốc gia thông qua một hệ sinh thái đa kênh toàn cầu, từ tạp chí The Edit, tạp chí Porter đến Net-a-Porter.com với trải nghiệm mua sắm không gián đoạn từ thiết bị di động đến máy tính để bàn. Từ năm 2015, công ty Net-a-Porter đã sáp nhập với tập đoàn Yoox – một nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Ý với quy mô hơn 180 quốc gia trên toàn cầu, trở thành tập đoàn Yoox Net-a-Porter.?
Ngày nay, thế giới của thời trang rải rác ở khắp hàng ngàn trang web trên toàn cầu – Chris Morton, nhà sáng lập của Lyst.com
Farfetch là nền tảng bán lẻ thời trang trực tuyến, được thành lập từ năm 2008 với trụ sở chính đặt tại London. Farfetch.com có sẵn các mặt hàng thời trang phụ nữ, nam giới và trẻ em đến từ hàng ngàn các NTK, thương hiệu cao cấp và cửa hàng bán lẻ từ khắp nơi trên thế giới, từ Tokyo đến Toronto, từ Milan đến Miami. Không chỉ nâng cấp trải nghiệm mua sắm giao hàng tận nơi trên thế giới và giao hàng trong ngày tại London, New York, Paris, Los Angeles, Miami, Madrid, Milan, Barcelona và Rome. Farfetch còn trang bị ngôn ngữ địa phương và ứng dụng di động cho các thị trường quốc tế, ngoài tiếng Anh còn bao gồm Pháp, Nhật, Quan Thoại, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Đức, Nga và Tây Ban Nha.
Theo nhà sáng lập Chris Morton đồng thời là CEO của Lyst.com – website thương mại điện tử thời trang toàn cầu ra mắt tại London vào năm 2010: “Ngày nay, thế giới của thời trang rải rác ở khắp hàng ngàn trang web trên toàn cầu. Đó là cơ hội để tạo ra trải nghiệm mua sắm cho khách hàng, khi mà người mua có thể tìm thấy tất cả những thứ mà họ yêu thích ở một nơi”. Năm 2013, Lyst được kể tên trong danh sách 50 công ty sáng giá nhất nước Anh. Với câu tagline ngắn gọn nói lên tầm định vị rộng lớn: “Your World of Fashion”- Lyst.com hiện đã kết nối hàng triệu khách hàng trên toàn cầu và tập hợp hơn 12.000 ‘cửa hàng’ – từ thương hiệu cao cấp đến các công ty bán lẻ, từ Burberry, Valentino, Alexander McQueen và J.Crew đến Lane Crawford (Hồng Kông, Trung Quốc), Saks Fifth Avenue (New York, Mỹ), Harrods (London, Anh) và Neiman Marcus (Texas, Mỹ).
Shopstyle thuộc sở hữu của công ty truyền thông và công nghệ nổi tiếng của Mỹ – PopSugar. Ra đời từ năm 2007, Shopstyle.com hiện liệt kê hơn 14 triệu sản phẩm không chỉ thời trang cho phụ nữ và trẻ em, còn có ngành hàng đồ nội thất. Nền tảng mua sắm kỹ thuật số này có đến 19 triệu khách truy cập hàng tháng ở hơn 175 quốc gia trên khắp thế giới. Từ năm 2016, ShopStyle được lên kế hoạch xây dựng chức năng ShopStyle Checkout, nhằm cho phép người dùng mua các sản phẩm từ nhiều đối tác bán lẻ trong một giao dịch liền mạch chỉ bằng một lần đăng nhập. Brian Sugar, người sáng lập và CEO của PopSugar cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng người tiêu dùng sẽ cảm thấy nản lòng khi phải nhảy từ trang web của nhà bán lẻ này sang trang bán lẻ khác để mua nhiều mặt hàng và nhập thông tin thẻ tín dụng của họ nhiều lần – đặc biệt là trên điện thoại di động. ShopStyle Checkout sẽ loại bỏ ma sát và khái niệm lại trải nghiệm mua sắm kỹ thuật số, biến ShopStyle trở thành thị trường thời trang toàn cầu.”
Ngẫm về Việt Nam
Trên, là chuyện của “khoảng trời” – Tham vọng và nhiều lợi thế. Tiếp theo, chúng ta hãy nhìn về “góc sân”. Cơ hội của thương mại điện tử đối với thị trường thời trang Việt Nam đã sớm được nhận thấy. Tuy nhiên những viên gạch đầu tiên để xây nên không phải đến từ các nhà đầu tư trong nước. Zalora.vn – có mặt tại Việt Nam từ tháng 1/2012, đã từng được coi là nền tảng mua sắm thời trang kỹ thuật số có diện mạo hoàn chỉnh và quy mô nhất tại thời điểm mới ra mắt ở Việt Nam. Cùng với người anh em Lazada – đồng được sở hữu bởi tập đoàn Rocket Internet của Đức, được tổng thiết lập trên toàn Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Sau 5 năm “giải ngố” cho thị trường Việt Nam, Zalora về tay Central Group (Thái Lan), đến tháng 5/2017 đã ra đi không một lý do, duy nhất một lời “tạm biệt” rằng đã đổi tên thành Robins – Robins.vn. Và dường như, “người thừa kế” đến nay vẫn chưa tạo nên những bứt phá mới trên thị trường.
Theo thống kê của Cục Thương Mại Điện Tử & Kinh Tế Số Việt Nam – Vecita (thuộc Bộ Công Thương), từ năm 2013 đã có đến 62% lượng khách mua sắm trực tuyến trong nước tìm mua các mặt hàng quần áo, giày dép và phụ kiện thời trang. Tâm lý mua sắm đã sẵn sàng. Thị trường Việt Nam tại thời điểm đó cũng nhiệt tình mở cửa chào đón thương mại điện tử như một làn gió mới mát lành. Điều đáng nói là, mặc dù các website bán hàng thời trang trực tuyến, từ bình dân đến cao cấp, từ “hàng chợ” đến hàng thiết kế có thương hiệu, đều ùn ùn mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, người mua hàng chẳng có mấy gì hài lòng. Các trang thương mại điện tử thực sự biết trau chuốt, có hướng đi và mục tiêu rõ ràng, thấu hiểu tâm tư, biết chú trọng đến chất lượng, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng,…thực sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một thị trường ngách được người tiêu dùng khao khát cuồng nhiệt nhưng khi bước một chân vào mới nhận ra còn nhiều lúng túng.
Sớm nhận thấy “lỗ hỗng” thị trường khi đang làm việc cho Lazada Group, cặp đôi nhà sáng lập của Leflair.vn đã quyết định “ra riêng” để thành lập trang web hàng hiệu ưu đãi vận hành theo mô hình Flash-sale (Bán hàng chớp nhoáng). Chính thức ra mắt từ tháng 12/2015, người mua sắm trực tuyến Việt Nam bắt đầu thấy tò mò bởi để mua được hàng hiệu ưu đãi giá tốt nhất, cần phải trở thành hội viên của Leflair.vn. Như nhiều trang web bán lẻ thời trang cao cấp trực tuyến toàn cầu, Leflair chẳng cần giới thiệu thêm nhiều về túi xách của Michael Kors hay giày thể thao của Adidas, tự giá trị của các món hàng đã định vị phân khúc, giúp Leflair tiếp cận trực tiếp hơn đến đối tượng khách hàng của mình.
Tại một thị trường say mê hàng hiệu xếp thứ 3 thế giới, điều mà Leflair cần là xây dựng niềm tin của khách hàng với website của mình cũng như tạo dựng mối quan hệ với các thương hiệu cao cấp để tạo ra những chiến dịch ưu đãi hút khách. Hiệu quả lớn nhất của Flash-sale là kích thích tâm lý mua hàng và tạo ra niềm vui “săn đón” thứ mình yêu thích. Nhiều nhà bán lẻ áp dụng hình thức này để tạo ra cú sốc doanh thu nhất thời, nhưng Leflair đã xác định nó thành một mô hình kinh doanh thời trang để giải tỏa cơn khát hàng hiệu của các tín đồ shopping Việt Nam. Hiện nay, Leflair.vn đã kết nối với khoảng 800 thương hiệu quốc tế và nội địa, từ những thương hiệu xa xỉ đã có cửa hàng tại Việt Nam cho đến những cái tên chỉ có thể mua được bằng hình thức “xách tay”.
Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế có lẻ đang nhìn thấy được triển vọng phát triển của Leflair.vn. Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm có thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính khác biệt mà Leflair định nghĩa cho mình, cùng với sự nhạy bén để bước vào thị trường thời trang thương mại điện tử vừa đúng lúc, đã góp phần củng cố cho vị thế của Leflair hiện nay. Ngay cả khi Flash-sale được giới chuyên môn nhận định là một hình thức không dễ sống, tính thách thức đối với Leflair không phải là một đối thủ “big budget” hay một mô hình độc đáo nào khác, mà chính là niềm tin của khách hàng – những người vốn dĩ đã chịu chi cho những món đồ hàng hiệu – vấn đề là cho ai, như thế nào và được trải nghiệm những gì?
Mua sắm phải là niềm vui thuần khiết. Các thương hiệu phải tự tìm đến khách hàng theo cách tiện lợi nhất & với mức giá hấp dẫn nhất. – Leflair.vn
Trên thị trường hiện nay, vẫn chưa thể kể tên những đối thủ thương mại điện tử cạnh tranh trực tiếp với Leflair.vn – với quy mô, uy tín và chất lượng dịch vụ tương xứng. Không tham chiến giá cả phù phiếm dù với bất cứ trang web thương mại điện tử nào, cũng như không trành giành khách hàng với các cửa hàng chính thức của thương hiệu hay các nhà phân phối, bán lẻ hàng hiệu truyền thống. Sau hơn 2 năm ra đời, Leflair đã tạo được ấn tượng tốt đẹp bằng những bước đi khéo léo trên một thị trường cởi mở, nhiều tiềm năng nhưng đầy mạo hiểm và luôn biến chuyển bất ngờ như Việt Nam.
Nếu như Leflair.vn là nền tảng Flash-sale hàng hiệu trực tuyến mang đến phần lớn những tên tuổi quốc tế, Ferosh.vn là website thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam tập trung vào các NTK trong nước và thương hiệu nội địa. Nếu như Leflair chẳng cần phải chứng minh tính sành điệu và đẳng cấp chất lượng của sản phẩm, Ferosh ngược lại cần có sự đánh giá và tư vấn chu đáo. Chính thức thành lập từ tháng 9/2016, Ferosh.vn được nhận định là một ý tưởng khởi nghiệp khả thi, một dự án hỗ trợ tài năng trẻ và phát triển ngành thời trang nước nhà. Các sản phẩm thời trang thiết kế cung cấp bởi Ferosh rất đa dạng phân khúc và phong cách, từ ready-to-wear đến các tác phẩm thời trang mang tính nghệ thuật cao, từ Project Runway Vietnam cho đến các tuần lễ thời trang lớn trong nước như Vietnam Designer Fashion Week, Vietnam International Fashion Week. Các đối tác hợp tác với Ferosh, đặc biệt những thương hiệu nhỏ và NTK ít được đông đảo khách hàng biết đến, tất cả cần trải qua quy trình đánh giá kỹ lưỡng từ uy tín thương hiệu, nhà thiết kế và chất lượng sản phẩm.
Tôi muốn xóa bỏ suy nghĩ của người tiêu dùng là hàng cao cấp không nên mua online – Nguyễn Thanh Hương, nhà sáng lập của Ferosh.vn
Sự ra đời của Ferosh.vn đã trở thành cầu nối mang khách hàng đến gần hơn với những sản phẩm thời trang thiết kế trong nước, góp phần phát triển thị trường thời trang nội địa và mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt. Hiện nay, Ferosh.vn đã định hình thành một hệ sinh thái thời trang hợp thị hiếu và túi tiền của khách hàng Việt, với hơn 4000 sản phẩm đến từ 49 NTK, và quy tụ được nhiều thương hiệu trẻ nổi tiếng rất được tín đồ thời trang Việt yêu thích như Wephobia, So Young, SHE, Hobb Design, May’s House Designer. Các NTK sớm tạo được dấu ấn trên sàn diễn thời trang Việt Nam tham gia cộng tác với Ferosh có thể kể đến như Hà Linh Thư, Vũ Trần Đức Hải, Hà Trương, Nguyễn Thảo, Le Kieu,…
Kết
Nhìn vào thị trường thời trang thương mại điện tử mà Việt Nam đang có ngày hôm nay, phải công nhận rằng chúng ta đang được chứng kiến những khởi sắc đáng kể so với thời điểm 2 năm trước. Người tiêu dùng Việt thực sự rất được “cưng chiều” bởi tất cả nỗ lực của thời trang thương mại điện tử chỉ để công nghệ hóa thú vui giản dị mà thiết yếu: mua sắm.
Mua sắm quần áo, mua sắm giày dép. Mua sắm hàng hiệu nước ngoài, mua sắm hàng thiết kế trong nước. Giờ đây dễ dàng hơn, từ tận tay đến tận nhà. “Cơn khát thời trang” cấp bách của nhiều năm trước đang dần được đáp ứng. Chặng đường của thời trang thương mại điện tử từ “góc sân” đến “khoảng trời” vẫn còn xa. Nhưng trong tương lai gần, cơ hội tiếp cận những tiện ích công nghệ tiên tiến của thế giới và khả năng tác động thị trường của những đơn vị tiên phong như Leflair hay Ferosh là rất đáng trông đợi. Và hy vọng rằng, trong năm nay, chúng ta sẽ sớm chào đón những mô hình kinh doanh mới và những ý tưởng thật khác biệt, để làm giàu và phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam.
Bài: Xu