Chòm sao Orion: Chàng thợ săn của mùa đông
Mùa thu đã đi qua, gió mang mùa đông ghé lại.
Và mùa đông lại mang đến cho chúng ta nhiều chòm sao xinh đẹp, nổi bật nhờ những ngôi sao sáng chói.
Trong đó không thể không kể đến Chòm sao Orion – chàng thợ săn nổi tiếng nhất nhì trên bầu trời đêm.
Chòm sao có rất nhiều điều thú vị, còn được xem là chiếc chìa khóa trên bầu trời đêm mùa đông. Hãy cùng Thế Giới Thiên Văn tìm hiểu dần trong bài viết dưới đây nhé.
Chòm sao Orion (Lạp Hộ)
Orion được dịch sang tiếng Hán là Lạp Hộ(獵戸) nghĩa là Thợ Săn, chính là tên chòm sao chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này. Vì thế, dù gọi với tên Orion, Lạp Hộ hay Thợ Săn cũng đều chỉ chòm sao này.
Chòm sao Orion có hình dạng giống như đồng hồ cát, đại diện cho thân người của chàng thợ săn Orion trong thần thoại Hy Lạp, cùng với chiếc Thắt lưng Orion và Thanh gươm Orion nổi tiếng. Những ngôi sao sáng nhất của chòm sao này là Rigel và Betelgeuse, vinh dự nằm trong số 10 ngôi sao sáng nhất bầu trời. Cả hai đều là những sao siêu khổng lồ và nằm trong số những ngôi sao có cấp sao biểu kiến I cách xa Trái Đất nhất.
Hai trong số những ngôi sao thuộc chiếc Thắt lưng Orion – Alnilam và Alnitak – cũng là các sao siêu khổng lồ. Còn lại, ngôi sao thứ 3 (Mintaka) lại là một hệ đa sao.
Thanh gươm Orion được mô tả là giắt trên thắt lưng của chàng thợ săn. Thiên thể ở giữa trông giống như một ngôi sao dưới mắt thường, nhưng thực tế đó là tinh vân Orion cực kỳ nổi tiếng – một trong những tinh vân sáng nhất Nó được biết đến nhiều nhất và cũng được chụp ảnh nhiều nhất trên bầu trời.
Tinh vân Orion (M42), vùng hình thành sao khổng lồ gần Hệ Mặt Trời nhất, có thể nhìn thấy bằng mắt thường mặc dù tinh vân này nằm cách Trái Đất 1344 năm ánh sáng.
Một ít thần thoại
Có nhiều phiên bản khác nhau của các câu chuyện xung quanh chàng thợ săn Orion trong Thần thoại Hy Lạp.
Nổi bật trong đó là chuyện về anh thợ săn tên Orion tự cho mình là người thợ săn vĩ đại nhất thế giới (hoặc không biết đó có phải là lời đồn ác ý từ đâu ra). Hera – vợ của thần Zeus, nghe được điều này và đã cho một con bọ cạp xuống giết Orion. Orion bị con bọ cạp dùng nọc đốt chết. Thần Zeus cảm thấy thương tiếc cho Orion và đã đặt chàng trên bầu trời trở thành một chòm sao mà chúng ta vẫn biết. Con bọ cạp cũng được đưa lên trời, trở thành chòm sao Bọ Cạp (Scorpius) cũng cực kỳ nổi tiếng.
Một điều thú vị là 2 chòm sao này nằm ở 2 vị trí đối diện trên bầu trời. Tức là khi chòm Orion mọc thì chòm Bọ Cạp lại lặn mất và ngược lại. Vì thế hai kẻ thù này không bao giờ nhìn thấy nhau.
Một câu chuyện khác kể rằng, Orion đã phải lòng với 7 chị em Pleiades. Chàng cứ mãi theo đuổi Pleiades, cuối cùng thần Zeus đã cho cả hai lên bầu trời. Pleiades từ đó được đặt tên cho một cụm sao với 7 ngôi sao trong chòm sao Kim Ngưu.
Một điểm thú vị nữa là, chòm sao Kim Ngưu luôn mọc trước chòm Orion nên ta thấy chàng thợ săn như đang đuổi theo 7 chị em xinh đẹp Pleiades.
Như vậy, thần thoại xung quanh chòm Orion có thể có nguồn gốc từ các vị trí tương đối của các chòm sao xung quanh nó trên bầu trời.
3 ngôi sao tương đối thẳng hàng – chiếc Thắt lưng của Orion
Bạn sẽ khá bất ngờ khi biết thêm về khu vực này.
Hai trong số những ngôi sao thuộc chiếc Thắt lưng Orion – Alnilam và Alnitak – cũng là các sao siêu khổng lồ. Ngôi sao thứ 3 là Mintaka lại là một hệ đa sao. Ba vì sao tạo nên thắt lưng Orion đều thuộc quần thể OB1b. Tức là chúng hình thành trong cùng một đám mây phân tử và có cùng chung một xu hướng dịch chuyển. Chính nhờ thế mà hình dạng của mảng sao này không có gì thay đổi kể từ thời cổ đại.
Nói về thời cổ đại, nền văn minh Ai Cập cổ đại có rất nhiều thần thoại liên quan tới 3 ngôi sao này. Thậm chí, những giả thuyết đưa ra về mối liên hệ của Orion và các Kim tự tháp trên cao nguyên Giza đưa ra rằng chúng trùng với các vị trí 3 ngôi sao trên chiếc thắt lưng của Orion. Giả thuyết này lần đầu tiên được Robert Bauval đưa ra vào năm 1983.
Trong dân gian Việt Nam, ba ngôi sao được nói ở trên được gọi là sao Cày hoặc sao Lưỡi Cày, bốn ngôi sao ở bốn góc của chòm sao Orion là Betelgeuse, Bellatrix, Rigel và Saiph thì được ví như bốn góc của một thửa ruộng vuông có cái lưỡi cày cắm ở giữa.
Đấy, bạn đã thấy nhiều điều bất ngờ và thú vị chưa.
Chiếc chìa khóa của bầu trời đêm mùa đông
Một lợi thế cực kỳ to lớn đến từ chòm sao Orion dành cho các bạn mới bắt đầu quan sát thiên văn: những ngôi sao trong chòm sao đều là những ngôi sao rất sáng. Vì thế, nó rất hữu ích trong việc làm mốc để xác định các chòm sao, ngôi sao xung quanh.
Cụ thể như sau, các bạn có thể ghi chú lại để thực hành quan sát nhé:
- Bằng cách kéo một đường thẳng tưởng tượng từ 3 ngôi sao thắt lưng về phía Đông Nam, đường thẳng này sẽ đi qua ngôi sao Sirius trong chòm Đại Khuyển (Canis Major).
- Ngược lại, khi kéo một đường thẳng từ 3 ngôi sao về phía Tây Bắc, đường này gần như đi qua ngôi sao Aldebaran và cụm sao Pleiades (M45) trong chòm Kim Ngưu (Taurus).
- Kéo một đường thẳng qua hai ngôi sao Betelgeuse và Bellatrix (2 bên vai của Thợ Săn) về phía Đông, cho biết hướng của ngôi sao Procyon trong chòm sao Tiểu Khuyển (Canis Minor).
- Một đường thẳng nối từ Rigel qua Betelgeuse sẽ chỉ ra hướng của 2 ngôi sao Castor và Pollux trong chòm sao Song Tử (Gemini).
Kết :
Bài viết lần này Thế Giới Thiên Văn đã cùng mọi người bổ sung thêm một số kiến thức về chòm sao nổi tiếng nhất nhì bầu trời đêm – Chòm Orion. Ở bài viết sau, chúng ta sẽ lại nói về những chòm sao mùa đông nổi tiếng khác.
Nếu có ý kiến đóng góp, mọi người để lại dưới phần bình luận nhé!
Hy vọng mọi người sẽ tìm hiểu nhiều kiến thức thiên văn hơn, dưới góc nhìn khách quan và tôn trọng mọi người.