Làm thế nào để áp dụng phân kỳ hiệu quả trong việc phân tích diễn biến giá?
Trong thị trường tài chính, việc ứng dụng phân tích kỹ thuật (PTKT) để phục vụ cho mục đích đầu tư ngắn, trung và dài hạn được coi là một trong những kĩ năng hữu hiệu và dễ tiếp cận nhất dành cho các nhà đầu tư không có nhiều thế mạnh về phân tích cơ bản hay nền tảng kiến thức kinh tế – tài chính. Bởi vì nguyên lý của PTKT là việc người giao dịch có thể phân tích và nghiên cứu về những biến động giá của cổ phiếu trong quá khứ và hiện tại rồi từ đó có thể dự đoán những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai để đưa ra quyết định giao dịch phù hợp nhất. Chắc hẳn mọi người cũng đã từng nghe câu “Lịch sử thường có xu hướng lặp lại”, cho nên một nhà đầu tư theo trường phái PTKT thường đánh giá những mô hình đã hình thành trong quá khứ với suy nghĩ rằng những mô hình đó sẽ lại phản ứng một cách tương tự.
Bản thân PTKT cũng được chia ra làm nhiều trường phái phân tích khác nhau như mẫu hình nến Nhật Bản, phương pháp VSA của Wyckoff hay các chỉ báo dao động RSI, MACD kèm với các đường trung bình di động SMA, EMA. Tuy nhiên bài viết này sẽ tập trung vào việc hướng dẫn giao dịch với phân kỳ để giúp chúng ta có thể vào lệnh hoặc thoát lệnh ở cuối xu hướng và tránh sự đảo chiều bất ngờ.
Điều đầu tiên mà chúng ta cần nắm vững là “đỉnh cao hơn” và “đáy thấp hơn”, giá và động lượng luôn song hành với nhau như hình với bóng vậy. Nếu giá tạo đỉnh cao hơn thì chỉ báo kỹ thuật cũng sẽ tạo đỉnh cao hơn. Tương tự, nếu giá tạo đáy thấp hơn thì chỉ báo kỹ thuật cũng tạo đáy thấp hơn. Nếu điều đó không xảy ra, có nghĩa là giá và chỉ báo kỹ thuật đã bị mâu thuẫn với nhau dẫn đến sự hình thành của phân kỳ. Chúng ta có thể sử dụng chỉ báo RSI (thường dùng 14 ngày) để phục vụ mục đích này và từ đó chúng ta có 2 loại phân kỳ chính:
1. Phân kỳ thường – Regular divergence2. Phân kỳ ẩn – Hidden divergence
Phân kỳ thường
Phân kỳ thường được dùng như là tín hiệu đảo chiều của một xu hướng và gồm có hai loại: phân kỳ tăng thường (regular bullish divergence) và phân kỳ giảm thường (regular bearish divergence).
Trong phân kỳ tăng thường, ở một xu hướng giảm, giá sẽ tạo các đáy thấp hơn nhưng chỉ báo RSI lại tạo các đáy cao hơn (thể hiện động lượng đang mạnh lên). Lúc đó, chúng ta có thể dự báo rằng xu hướng giảm khả năng sẽ kết thúc để bắt đầu một xu hướng tăng mới.
Hình 1. Phân kỳ tăng thường
Ngược lại, trong phân kỳ giảm thường, ở một xu hướng tăng, giá sẽ tạo các đỉnh cao hơn nhưng chỉ báo RSI sẽ tạo các đỉnh thấp hơn (thể hiện sự suy yếu của động lực tăng giá). Kết quả là chúng ta có thể dự báo rằng giá có thể đảo chiều và bắt đầu một xu hướng giảm như hình dưới đây.
Hình 2. Phân kỳ giảm thường
Xem đến đây bạn vẫn cảm thấy khó hiểu hãy xem lại cách xác định đỉnh và đáy của thị trường theo phân tích kỹ thuật
Phân kỳ ẩn
Khác với phân kỳ thường, phân kỳ ẩn sẽ cho tín hiệu về sự tiếp diễn xu hướng và gồm hai loại: phân kỳ ẩn tăng giá (hidden bullish divergence) và phân kỳ ẩn giảm giá (hidden bearish divergence).
Trong phân kỳ ẩn tăng giá, giá sẽ tạo các đáy cao hơn nhưng chỉ báo RSI sẽ tạo các đáy thấp hơn. Kết quả là chúng ta có thể dự báo rằng xu hướng tăng sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Hình 3. Phân kỳ ẩn tăng giá
Ngược lại, trong phân kỳ ẩn giảm giá, giá sẽ tạo các đỉnh thấp hơn nhưng chỉ báo RSI sẽ tạo các đỉnh cao hơn. Do đó, chúng ta có thể dự báo rằng xu hướng giảm sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Hình 4. Phân kỳ ẩn giảm giá
Phân biệt Phân kỳ thường và Phân kỳ ẩn
Phân kỳ thường và Phân kỳ ẩn thường khá khó để phân biệt, đòi hỏi chúng ta phải có nhiều sự trải nghiệm thực chiến. Một cách điển hình thì phân kỳ thường hay được tìm thấy ở cuối một xu hướng dài hạn để báo hiệu khả năng xuất hiện một nhịp điều chỉnh. Trong khi đó, phân kỳ ẩn thường xuất hiện ở cuối một nhịp tích lũy để báo hiệu khả năng tiếp tục xu hướng đã hình thành trước đó.
Tóm Tắt
DạngXu HướngKhả NăngGiáChỉ BáoMô TảVí Dụ
Phân Kỳ Thường
Giảm
Đảo Chiều – TăngTạo đáy thấp hơnTạo đáy cao hơnCho thấy động lượng đang mạnh lên. Xu hướng giảm sắp kết thúc và báo hiệu đảo chiều xu hướng.Hình 1
Tăng
Đảo Chiều – GiảmTạo đỉnh cao hơnTạo đỉnh thấp hơnCho thấy động lượng đang suy yếu. Xu hướng tăng sắp kết thúc và báo hiệu đảo chiều xu hướng.Hình 2
Phân Kỳ Ẩn
Tăng
Tiếp tục Tăng
Tạo đáy cao hơnTạo đáy thấp hơnXuất hiện trong đợt điều chỉnh của xu hướng tăng. Là điểm mua vào khả quan.Hình 3
Giảm
Tiếp tục Giảm
Tạo đỉnh thấp hơnTạo đỉnh cao hơnXuất hiện trong đợt điều chỉnh của xu hướng giảm. Là điểm mua vào khả quan.Hình 4
Lưu ý
Tuy nhiên các quy tắc này không phải lúc nào cũng đúng và để tránh vào lệnh quá sớm khi giao dịch với phân kỳ chúng ta có thể áp dụng những mẹo sau đây:
- Hãy đảm bảo rằng, chỉ báo RSI cần phải vận động sát vùng quá mua hoặc quá bán
- Hãy đợi đến khi các đỉnh hoặc đáy ĐÃ hình thành xong
- Những đỉnh và đáy của giá phải khớp theo trục dọc so với đỉnh và đáy của chỉ báo RSI
- Phân kỳ sẽ chính xác hơn nếu chúng ta sử dụng khung thời gian dài thay vì sử dụng khung thời gian ngắn để tránh bị nhiễu. Đối với thị trường chứng khoán, nên sử dụng khung thời gian D trở lên.
Ngoài ra để giao dịch một cách an toàn và chắc chắn hơn, chúng ta có thể kết hợp thêm với chỉ báo Ichimoku bằng cách đợi sự giao cắt lên của đường chuyển đổi so với đường cơ sở để vào lệnh như hình dưới đây. Mặc dù, tiềm năng lợi nhuận trông có vẻ ít hơn nhưng sự kết hợp này sẽ giúp cho tâm lý của nhà đầu tư có phần thoải mái hơn và tất nhiên đấy là lý do tại sao rất khó để mà chúng ta có thể vào lệnh ở đúng đáy.
Kết hợp với chỉ báo Ichimoku
Tóm lại, chúng ta cần phải quan sát và thực hành thường xuyên khi giao dịch với phân kỳ để gặt hái được những thành công nhất định trong giao dịch. Trên hết, các nhà đầu tư cần phải tuân thủ kỷ luật về cách đi vốn và quản trị rủi ro vì không có gì có thể chính xác tuyệt đối. Chúc mọi người giao dịch với phân kỳ hiệu quả!
Powered by Froala Editor