Kiến thức

Khi giới đầu cơ "sấp mặt" với tiền điện tử: Sống "ảo" ăn theo Bitcoin

Thủ lĩnh của các nhóm này luôn tạo cho mình hình ảnh giàu có, sang chảnh để “câu” những nhà đầu tư ngây thơ “lên thuyền” cùng làm giàu nhanh. Và họ đã nhanh chóng bị lật thuyền, chìm thuyền…

Những “thánh coin” trên cõi mạng

Chừng một vài năm trở lại đây, trong giới trẻ, đặc biệt là trên cõi mạng xuất hiện những “thánh coin”; “thần trade” khiến cho người ta phải “phát sốt phát rét”. Lướt qua profile (hồ sơ) của các vị “tiên thánh” này trên các nền tảng Facebook, Zalo, Tiktok… ta có thể dễ dàng gặp rất nhiều gương mặt búng ra sữa diện suit đứng ngồi cạnh những chiếc siêu xe cùng tuyên bố hùng hồn: “Sẽ có triệu đô (USD) trước tuổi 25” hay như “về hưu trước 30 tuổi với số dư chục tỷ trong tài khoản”…

Hình ảnh những “thánh coin” trên mạng

Tuấn Phạm tự nhận mình là “Tuấn Tiền Tỉ”, là một “chuyên gia đầu tư” tự xưng trên mạng xã hội. Công việc mỗi ngày của Tuấn là đăng thông tin về quỹ “đầu tư” của mình, một sàn giao dịch tiền điện tử đa cấp như: Lợi nhuận hàng ngày là bao nhiêu, những bạn bè được Tuấn “hướng dẫn” đã kiếm được tiền trăm triệu như thế nào, rồi hướng dẫn cách tham gia sàn… Hàng loạt những câu nói mang tính chất “truyền cảm hứng”: “Ngồi ở nhà vẫn có thể kiếm tiền triệu từ chiếc điện thoại chỉ trong 10 phút. Bảo sao dạo này mình thấy nhiều người làm tài chính. Rất nhiều người nghe lời mình đã được đổi đời. Mình sẽ làm video hành trình kiếm tiền mỗi ngày của mình, hàng ngày, mọi người đón xem nhé”. Những lời kêu gọi tương tự được Tuấn thường xuyên đăng trên trang cá nhân.

Lượng theo dõi Tuấn lên tới hàng ngàn người, số lượng tương tác cho mỗi bài viết không nhỏ, trong đó có không ít người cùng tham gia mạng lưới tiền ảo nói trên. Họ tung hứng về cái gọi là “sàn tài chính”, nói chuyện về “hoa hồng khủng”, về tiền tỉ và hàng loạt các từ ngữ chuyên môn khiến người ngoài như lạc vào ma trận.

Dạo một vòng trên mạng xã hội đột nhiên có thể thấy hàng loạt những người trẻ tự xưng “chuyên gia tài chính cao cấp”, “bậc thầy đầu tư”, khoe đang tham gia những cuộc đầu tư với lợi nhuận lớn liên tục đổ vào tài khoản. Những danh xưng CEO, Leader, “chuyên gia đọc lệnh”… bắt đầu được nhiều người trẻ tự xưng. Trang cá nhân của những người này, tương tự như Tuấn “tiền tỷ” nói trên, luôn xuất hiện hình ảnh chỉn chu, ăn mặc như “doanh nhân thành đạt”, khoe nhà, khoe xe, khoe những bữa ăn sang trọng, chụp hình những khoản tiền từ vài triệu đến vài trăm triệu định kì chuyển vào tài khoản. Họ gây tò mò, khiến không ít người trẻ muốn học theo để có được sự thành đạt và giàu có như thế.

Thực chất, cách kiếm tiền này là hình thức dự đoán tăng giảm (xanh – đỏ) của thị trường tài chính, tương tự một dạng chơi cá cược, cờ bạc online được núp dưới cái mác là đầu tư tiền kỹ thuật số. Những người được mệnh danh “chuyên gia đọc lệnh” thực chất là người đưa lệnh mua bán có tỉ lệ thắng cao, kéo theo nhiều “đàn em” cũng “trúng mánh” nhờ khả năng đọc lệnh của mình.

Các sàn đầu tư tài chính hiện đang được các trader ra sức hô hào tham gia bản chất đều là những sàn đầu tư theo dạng đa cấp. Càng mời gọi được nhiều người tham gia trong team, thì những leader (trưởng nhóm) càng được hưởng nhiều lợi. Do vậy, nếu chỉ nhìn vào những bộ cánh mà đại huynh đọc lệnh khoác trên người, không ít những bạn trẻ thiếu kiến thức, non kinh nghiệm đã phải trả giá. Thanh Hằng (SN 2004, quê Thái Bình) đã trở thành món mồi ngon cho một đại huynh đọc lệnh. Cô gái này cay đắng kể lại.

Chuyên gia chia sẻ  Thế giới

Khoảng gần một năm trước, Hằng quen với Nam – được giới thiệu là một chuyên gia đầu tư tài chính rất nổi tiếng và thành đạt. Nam đã kịp vẽ cho mình một profile hoành tráng khiến cô nữ sinh chết đứ đừ. Anh ta kể, những ngày sinh viên cơ cực, có khi phải ăn mì tôm triền miên hàng tháng trời. Cố gắng để tốt nghiệp đại học, rồi được nhận vào một ngân hàng lớn với lương bổng rất tốt song cuối cùng Nam vẫn xin nghỉ để nhảy ra làm ngoài. Nam may mắn gặp được một “đại huynh” đã chỉ dạy từng bước để tham gia vào đầu tư tiền điện tử cũng như các sàn forex. Trong khoảng hai năm, Nam đã kiếm đủ tiền để mua được nhà ở Hà Nội, lại xây nhà ở quê cho bố mẹ…

“Do từng được sự giúp đỡ của thế hệ đàn anh đi trước, nay đã tương đối thành đạt nên cũng muốn trả ơn đời, trả ơn người bằng cách truyền lại kinh nghiệm cho những bạn trẻ hơn” Nam vừa nói, vừa đưa tay vuốt tóc khéo lộ ra chiếc đồng hồ Hublot mạ vàng sáng chói, và mùi nước hoa Chanel ngào ngạt…

Ấn tượng trước câu chuyện mà Nam vẽ ra, cô gái trẻ ít nhiều đã say nắng và chấp nhận đề nghị add friend. Từ đó, ngày nào Nam cũng gửi qua phần mềm chat những tấm ảnh chụp bên cạnh xe hơi Audi, Porches kèm theo câu hỏi: “Em rảnh không anh qua đón đi ăn?”, hay như: “Nhiều xe nhọc thật đấy, sáng ra chọn xe nào đi cũng đủ hết ngày”…

Đề cập đến chuyện sinh hoạt, ăn uống, anh ta thường than thở: “Tiền nhiều quá nên tiêu xài hưởng thụ sao cho nó hứng thú cũng khó em ạ. Không dịch anh đã làm tour châu Âu vài tháng”. Buổi tối, thường là khi cơm nước xong Nam lại gọi video call để khoe hôm nay đã kiếm được vài nghìn đô, vài trăm đô rất nhẹ nhàng.

Anh ta cũng không quên gửi cho Hằng những tấm ảnh chụp team làm việc của mình. Ai nấy đều ăn mặc sang chảnh như doanh nhân. Người nào người nấy sở hữu cái tên kêu choang choang. Nam – leader của nhóm được tôn là “thần sấm” hay Nam “chủ tịch”. Sau đó, chàng trai trẻ ngỏ ý mời Hằng cùng tham gia làm giàu.

Để cho cô gái thêm phần tin tưởng, Nam còn bảo “mấy thằng đệ” nhắn tin trò chuyện. Rằng, anh Nam có khả năng “in tiền” thiên bẩm. Nam có tình cảm với em nên mới rủ, sẽ dành cho em một suất trong room VIP. Em không hiểu mấy cái này là gì cũng chẳng quan trọng. Tất cả đều đặt lệnh theo room hết, cứ theo anh Nam là “auto” thắng. Nói em không tin, cách đây hai năm anh nợ 500 triệu, theo anh Nam giờ tài khoản đã có 9 con số 0 (tiền tỷ)!

Chuyên gia chia sẻ  Thị trường (Market) là gì? Chức năng, đặc trưng và các cách phân loại thị trường
Khi giới đầu cơ
“Hoàng Tử Gió” cũng từng chuyển sang đầu tư tài chính, tiền ảo

Bùi tai, Hằng đã nói dối bố mẹ xin tiền đi học ngoại ngữ, mua điện thoại, máy tính… để học online. Có được bao nhiêu cô gái vét sạch ném vào sàn tiền kỹ thuật số mà Nam giới thiệu. Khoảng hai tuần đầu, Hằng lâng lâng khi thấy “tiền” chảy đều đặn vào tài khoản. Từ 3.000 đô ban đầu đã tăng lên gần 5.000 đô. Tuy nhiên, khi Hằng đặt lệnh rút tiền thì mạng báo “trục trặc”. Hỏi Nam thì anh ta bảo, chắc server đang bảo trì, đợi 1-2 ngày là lại hoạt động bình thường. Song mấy ngày sau thì trang web sập hẳn. Facebook, zalo của “thần đồng chốt lời” cũng biến mất.

“Thánh” gãy cánh

Còn nhớ tối ngày 5/10/2021, cư dân mạng xôn xao khi biết tin “Hoàng tử Gió” (tên thật là H.Đ.N, sinh năm 1992, quê quán Quảng Ninh) được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại căn hộ chung cư ở địa bàn xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Sáng cùng ngày, H.Đ.N vẫn tương tác bình thường với một số bạn bè. Nhưng đến chiều cùng ngày, đột nhiên “Hoàng tử Gió” bị mất liên lạc. Khoảng 19 giờ, khi trở về căn hộ, bạn của “Hoàng Tử Gió” tá hỏa phát hiện H.Đ.N tử vong trong tư thế treo cổ ở chiếc tủ trong phòng, bằng sợi dây vải loại chuyên dùng của cặp đựng máy tính xách tay.

Trên mạng xã hội, “Hoàng tử Gió” từng được biết đến với biệt danh “giang hồ mạng”, có mối quan hệ với một số đối tượng cũng là “giang hồ mạng” như Khá “bảnh”. Facebook cá nhân của “Hoàng tử Gió” có hơn 800 ngàn follow (theo dõi).

Từng có lần, “Hoàng tử Gió” livestream hành vi sử dụng chất cấm, và đã bị cơ quan chức năng triệu tập, xử lý. Thời gian gần đây, “Hoàng tử Gió” bất ngờ thay đổi hình ảnh, từ một “giang hồ mạng” đổi hướng sang làm “doanh nhân tài chính”.

H.Đ.N đã thành lập hội nhóm kêu gọi đầu tư vào loại hình kinh doanh tiền ảo. Trên trang cá nhân của mình, “Hoàng tử Gió” thường xuyên đăng tải những hình ảnh về tiền bạc, xe hơi, kèm theo đó là những status về triết lý kinh doanh, cách thức đầu tư làm giàu, mở khóa học với mức giá 300 USD, hướng dẫn giao dịch trên Wefinex.

Ngoài ra, H.Đ.N. còn được biết là có mối quan hệ thân thiết với Phạm Tuấn, thủ lĩnh đa cấp tiền số BitcoinDeFi. Sau khi “ôm” hàng trăm tỉ của nhà đầu tư, Tuấn “lặn mất tăm” khiến bao người mất ăn, mất ngủ.

Đặc biệt sau khi Phạm Tuấn trở thành người đứng đầu chi nhánh miền Bắc của dự án đa cấp BitcoinDeFi, hội nhóm Wefinex của H.Đ.N cũng nhanh chóng được đổi tên thành “Đầu tư BTCDeFi cùng “Hoàng tử Gió”. Đây là sàn giao dịch quyền chọn nhị phân từng được Bộ Công an cảnh báo có dấu hiệu đa cấp lừa đảo.

Kinh doanh đa cấp tiền số là trái phép

Theo số liệu thống kê từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết tại Việt Nam, người sử dụng tiền ảo ngày càng phát triển, được giao dịch công khai. Ước tính có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia giao dịch “tiền ảo” với số tiền giao dịch hàng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. Chỉ riêng trên sàn giao dịch tiền ảo Remitano, khối lượng giao dịch hàng ngày giữa tiền ảo và tiền VNĐ vào khoảng từ 70-100 tỷ đồng, thời kỳ cao điểm có thể lên tới 300-400 tỷ đồng/ngày

Chuyên gia chia sẻ  MEV (Maximal Extractable Value) là gì? Tìm hiểu về cơ chế hoạt động của giá trị có thể trích xuất trong giao dịch

Còn theo trang web “www.coin.dance”, khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.615 tỷ đồng/ tuần, thời kỳ cao điểm khoảng 4.600 tỷ đồng. Các sàn tiền ảo lớn đang được nhà đầu tư Việt Nam giao dịch, mua bán, đầu tư, lưu trữ là Binance, Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex… Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn giao dịch thông qua các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội, ứng dụng gọi điện, nhắn tin qua mạng (Telegram, Whatapp, Viber, Facebook…).

Thời gian qua, lực lượng Công an đã triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động phạm tội có liên quan tiền ảo, đã tiến hành xác minh, điều tra hàng chục chuyên án, khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về “tiền ảo”, “tiền ảo” không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho an ninh tiền tệ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.

“Việt Nam cũng chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào; nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo không được pháp luật bảo hộ. Người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo” – đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc kinh doanh tiền kỹ thuật số trên các sàn giao dịch ở Việt Nam hiện nay là bất hợp pháp. Do đó, các tổ chức, cá nhân lôi kéo, dụ dỗ người chơi đầu tư, tham gia vào các sàn tiền ảo chính là đang vi phạm pháp luật. “Đây là các hoạt động, kinh doanh trái phép, không được Nhà nước bảo hộ nên khi người chơi tham gia vào, tỷ lệ rủi ro là rất lớn, gần như là 100%. Cho nên các sàn này thường mập mờ về địa chỉ trụ sở, không rõ ai là đứng đầu sàn, hay cả câu chuyện sàn có thể mở hôm nay nhưng mai là có thể sập” – ông nói.

Theo ông, điểm chung của các sàn forex, vàng ảo, tiền ảo đều dùng chiêu khuếch đại lợi nhuận, rồi quảng cáo an toàn 100%, đầu tư mà không sợ lỗ. Do đó, người chơi không tỉnh táo, hiểu biết thì rất dễ bị các đối tượng mồi chài, dụ dỗ, lôi kéo vào “ma trận” không lối thoát.

Đánh giá bài viết post

Phạm Văn Sỹ

Tôi là Phạm Văn Sỹ chuyên gia uy tín trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh là sinh viên của trường Đại học Ngoại Thương. Với kiến thức sâu rộng sau 12 năm ở bên ngoài thương trường thị trường tôi mong muốn chia sẻ các kiến thức chuyên sâu hữu ích dành cho mọi người.

Related Articles

Back to top button