VeChain Giá
VeChain là gì
VeChain (VET) là nền tảng blockchain và tiền mã hóa công khai, là doanh nghiệp toàn cầu kết nối công nghệ blockchain với thế giới thực. Dự án thực hiện điều này thông qua cấu trúc quản trị toàn diện, mô hình kinh tế mạnh mẽ và tích hợp IoT tiên tiến. VeChain hỗ trợ nhà sản xuất và các bên liên quan theo dõi đường đi và xuất xứ của sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Lược sử VeChain
Cựu Giám đốc Thông tin (CIO) của Louis Vuitton Trung Quốc là Sunny Lu đã thành lập VeChain vào năm 2015. Khi đó, dự án chỉ là một công ty con của Bitse, một trong những công ty blockchain hàng đầu Trung Quốc và là một trong số ít blockchain có số lượng khách hàng đáng kể thời bấy giờ.
Tầm nhìn của VeChain là xây dựng nền tảng hệ sinh thái kinh doanh phân tán và không cần tín nhiệm, với luồng thông tin minh bạch, cộng tác hiệu quả và chuyển giao giá trị tốc độ cao. Mục tiêu ban đầu là cách mạng hóa lĩnh vực chuỗi cung ứng, nhờ vào ưu thế dữ liệu minh bạch và có thể truy vết. VeChain mong muốn trở thành công ty hàng đầu trong phân khúc DApp và triển khai ICO thông qua nền tảng VeChain kết hợp với Internet of Things (IoT).
Token VEN ban đầu xây dựng trên blockchain Ethereum. Tuy nhiên vào năm 2018, VeChain đổi tên thành VeChain Thor và ra mắt blockchain Thor sử dụng thuật toán đồng thuận Proof-of-Authority (PoA). Khi đó, token VEN cũng được chuyển đổi sang token VET với tỷ lệ 1:100.
Trong những năm qua, VeChain ký kết quan hệ đối tác chiến lược với nhiều công ty để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Trong số đó có thỏa thuận với PricewaterhouseCoopers (PwC). Thông qua cú bắt tay này, PwC sẽ sử dụng giải pháp blockchain của VeChain giúp khách hàng của mình tăng cường khả năng xác minh sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.
VeChain cũng hợp tác với Renault, Microsoft và Viseo để triển khai Sổ bảo dưỡng ô tô điện tử không thể làm giả. Giải pháp này đã được văn phòng công nghệ chính phủ ở Quý An, một đặc khu kinh tế của Trung Quốc, sử dụng.
Cách thức hoạt động của VeChain
Tính năng độc đáo của VeChain là chỉ định một danh tính duy nhất cho các sản phẩm vật lý, thường được sử dụng để nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), mã QR hoặc giao tiếp trường gần (NFC). Các bộ cảm biến thu thập dữ liệu ở mỗi cấp độ của chuỗi cung ứng; sau đó ghi lại và liên kết dữ liệu đó với nhận dạng của sản phẩm. Bộ cảm biến được thiết kế bởi VeChain và được sản xuất bởi các công ty như Bosch và Qualcomm.
Do VeChain sử dụng công nghệ blockchain nên không có hồ sơ lưu trữ nào có thể bị thay đổi thông tin. Từ đó đảm bảo quy trình xử lý hàng hóa diễn ra đúng cách và đảm bảo đó là hàng thật. Kể từ khi đổi thương hiệu, VET trở thành token gốc sử dụng trong toàn hệ thống VeChain. Khi một công ty có càng nhiều VET thì mức độ ưu tiên sử dụng tài nguyên blockchain của công ty đó càng cao.
VET cũng được dùng để truy cập công nghệ chuỗi cung ứng để tạo ra đồng token thứ hai, là VeThor hay Thor Power (VTHO). Công ty cần tải thông tin bổ sung lên blockchain hay sử dụng tính năng theo dõi chuỗi cung ứng của VeChain phải trả tiền phí dưới dạng token VTHO.
Các blockchain khác cũng có thể sử dụng nền tảng mainnet để phát hành token trên hệ thống VeChain. Nền tảng này đã hỗ trợ VeChain chuyển đổi từ chuỗi cung ứng sang DApp.
VeChain được dùng làm gì
Nền tảng VeChain giúp theo dõi chất lượng, tính xác thực, nhiệt độ bảo quản, phương tiện vận chuyển và quá trình phân phối từ đầu đến cuối của sản phẩm, chẳng hạn như một gói thuốc hoặc một chai rượu, từ cơ sở sản xuất đến việc giao hàng cho người dùng cuối.
Nền tảng VeChain hỗ trợ chủ sở hữu ô tô kiểm soát dữ liệu ô tô của mình và sử dụng dữ liệu đó để thương lượng các điều khoản và chính sách bảo hiểm tốt hơn với công ty bảo hiểm ô tô.
Nền tảng VeChain giúp người dùng cuối giám sát các mặt hàng họ mua, kiểm tra thật giả và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Khả năng để VeChain được tích hợp vào các công nghệ IoT khác để sử dụng ở các tập đoàn đa ngành bên ngoài lĩnh vực chuỗi cung ứng là vô cùng lớn. Dự án đặt ra sứ mệnh đơn giản hóa hoạt động và mang lại hiệu suất tốt hơn cho các tổ chức trên toàn cầu.