Chức năng của tiền tệ là gì? chức năng nào quan trọng nhất?
1. Tiền tệ là gì? Lịch sử ra đời của tiền tệ
1.1 Khái niệm tiền tệ
Tiền tệ là phương tiện thanh toán chính quy theo pháp luật, được sử dụng với mục đích trao đổi hàng hóa, dịch vụ ở một khu vực, một quốc gia hay một nền kinh tế.
Về bản chất, C.Marx cho rằng tiền tệ là loại hàng hóa đặc biệt được tách ra từ trong thế giới hàng hóa làm vật ngang giá chung thống nhất cho các hàng hóa khác. Nó thể hiện lao động xã hội và biểu hiện quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa.
Tại sao nói về bản chất tiền tệ là một loại hàng hóa? Đó là vì:
- Tiền tệ cũng có những thuộc tính của hàng hóa đó là thuộc tính giá trị và giá trị sử dụng.
- Tiền tệ cũng có người mua, người bán, giá cả như các loại hàng hóa khác. Giá cả của tiền tệ cũng lên xuống xoay quanh quan hệ cung cầu.
- Tiền tệ có vai trò làm vật ngang giá chung.
1.2 Lịch sử ra đời của tiền tệ
Thời xa xưa, con người không dùng tiền tệ để mua bán hàng hóa mà họ dùng hàng đổi lấy hàng, có nghĩa là họ đem những thứ họ có đi trao đổi để lấy về những thứ họ cần.
Sau đó một số nền văn minh đã phát triển việc sử dụng tiền kim loại, loại tiền mà giá trị phụ thuộc giá trị của vật liệu làm ra nó.
Loại tiền xu đầu tiên ra đời ở vùng Lưỡng Hà vào khoảng năm 3000 trước công nguyên. Vật liệu làm ra tiền xu đầu tiên là đồng, sau đó là sắt. Lợi ích của việc sử dụng tiền xu đó là sự thuận tiện khi không phải cân khối lượng.
Tiền xu đã thúc đẩy đáng kể sự mua bán hàng hóa ở thế giới cổ đại. Sau tiền xu, tiền giấy hay giấy bạc ra đời và lưu hành lần đầu tiên ở Trung Quốc khoảng năm 600 đến năm 1455, thời nhà Tống.
Tại châu Âu, giấy bạc đầu tiên được ngân hàng Stockhom Thụy Điển phát hành năm 1661. Tại Mỹ, thập niên 1690 tiền giấy được phát hành và sử dụng rộng rãi hơn.
Sau tiền giấy, tiền phát triển lên hình thức tiền đại diện. Các thương gia và ngân hàng buôn bán vàng bạc bắt đầu ban hành giấy biên nhận cho người gửi. Giấy biên nhận này có thể quy đổi ra tiền mặt. Giấy biên nhận này bắt đầu được chấp nhận rộng rãi và được sử dụng trong thanh toán như một loại tiền.
Đến thế kỷ XXI xuất hiện thêm một loại tiền nữa không có sự tồn tại thực tế và không được chính phủ hậu thuẫn đó là tiền ảo. Tiền ảo được giao dịch và lưu trữ dưới dạng điện tử.
2. Chức năng của tiền tệ là gì?
Trong nền kinh tế thì chức năng của tiền tệ là gì? Với bản chất là một loại hàng hóa đặc biệt, thì trong nền kinh tế tiền tệ có năm chức năng như sau:
2.1 Phương tiện thanh toán
Chức năng này là chức năng dễ thấy nhất trong cuộc sống hàng ngày. Tiền tệ làm đơn giản hóa quá trình trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa người mua và người bán.
Khi thực hiện chức năng phương tiện thanh toán, tiền tệ không đóng vai trò trung gian trong lưu thông mà là một bộ phận bổ sung. Quá trình lưu thông tiền tệ diễn ra độc lập không phụ thuộc vào quá trình vận hành trao đổi hàng hóa.
2.2 Phương tiện thước đo giá trị
Tiền tệ là phương tiện đo lường giá trị của hàng hóa. Muốn đo giá trị hàng hóa, bản thân tiền tệ cũng phải có giá trị. Vì thế tiền tệ thực hiện chức năng này phải là tiền vàng.
Giá trị này khi được định giá bằng tiền gọi là giá cả. Giá cả của hàng hóa chịu sự chi phối của các yếu tố khác như giá trị hàng hóa, giá trị tiền tệ, quy luật cung cầu của thị trường. Trong các yếu tố đó thì giá trị của hàng hóa là yếu tố quyết có tính chất quyết định giá cả hàng hóa
2.3 Phương tiện lưu thông
Tiền tệ đóng vai trò phương tiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Chức năng phương tiện lưu thông được thể hiện qua cấu trúc hàng – tiền – hàng. Cấu trúc này có nghĩa là người bán giao hàng cho người mua và thu tiền về sau đó dùng tiền để mua những hàng hóa khác.
Ở mỗi giai đoạn lượng tiền cần thiết cho lưu thông sẽ thay đổi theo quy luật lưu thông tiền tệ của thị trường. Mức độ tiền tệ hóa của thị trường càng cao thì chức năng phương tiện lưu thông càng được thể hiện rõ.
2.4 Phương tiện cất trữ
Khi thực hiện chức năng này, tiền tệ rút khỏi quá trình lưu thông trên thị trường và được cất giữ. Tiền tệ đại biểu cho của cải của xã hội dưới hình thái giá trị, nên cất trữ tiền tệ cũng có nghĩa là cất trữ của cải.
Lượng tiền cất trữ càng nhiều thì lượng của cải vật chất trong xã hội càng lớn. Khi sản xuất hàng hóa tăng làm cho lượng hàng hóa trên thị trường tăng thì tiền cất trữ sẽ được đưa vào lưu thông.
2.5 Tiền tệ thế giới
Tiền tệ có chức năng này khi thực hiện các chức năng trên ở ngoài lãnh thổ quốc gia. Loại tiền tệ thực hiện chức năng này phải có đủ giá trị như vàng hoặc các loại tiền được công nhận giá trị trên nhiều quốc gia.
Tiêu biểu cho các loại tiền thực hiện chức năng này là đồng Đô la Mỹ và đồng Euro của liên minh châu Âu.
3. Chức năng nào là quan trọng nhất?
Chức năng quan trọng nhất trong các chức năng của tiền tệ là gì? Các chức năng của tiền tệ có mối liện hệ mật thiết với nhau và đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành nền kinh tế. Nhưng trong năm chức năng trên thì chức năng quan trọng nhất là chức năng phương tiện lưu thông.
Khi tiền tệ xuất hiện thì quá trình trao đổi hàng hóa chuyển từ trực tiếp hàng – hàng sang gián tiếp hàng – tiền – hàng. Lúc này tiền đóng vai trò là vật ngang giá chung, làm trung gian thúc đẩy cho sự lưu thông hàng hóa trở nên thuận tiện hơn.
Nếu không có tiền tệ thì tất cả các giao dịch hàng hóa dịch vụ sẽ quay lại hình thức trao đổi trực tiếp nghĩa là một hàng hóa dịch vụ này đổi lấy một hàng hóa dịch vụ khác. Nhưng việc trao đổi này chỉ có thể diễn ra nếu cả hai bên đều có nhu cầu đối với hàng hóa dịch vụ của bên kia. Việc trao đổi như thế trở nên khó khăn do việc trùng hợp về nhu cầu rất ít.
Khi thực hiện chức năng phương tiện lưu thông, tiền tệ đóng vai trò giúp cho việc trao đổi được dễ dàng, thuận tiện. Tiền tệ khắc phục được các nhược điểm của quá trình trao đổi hàng hóa trực tiếp như sự hạn chế về nhu cầu trao đổi, hạn chế về thời gian (việc mua và bán phải diễn ra cùng thời điểm với nhau), hạn chế về không gian (việc mua và bán phải diễn ra cùng một nơi).
Nếu tiền tệ không thể thực hiện chức năng này thì thì tiền tệ không còn giá trị hay nói cách khác là tiền tệ sẽ không tồn tại.
Ngoài vai trò thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, làm ổn định thị trường tài chính, tiền tệ còn là phương tiện để mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ quốc tế. Vì vậy có thể nói rằng Tiền tệ là phương tiện không thể thiếu trong lưu thông hàng hóa cũng như vận hành nền kinh tế.
Việc hiểu rõ được các chức năng của tiền tệ là gì giúp cho việc vân dụng linh hoạt các chức năng đó trong thực tế được thuận lợi hơn. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, tư vấn, giải đáp.